Trong bối cảnh số ca Covid-19 tiếp tục tăng cao, tương ứng số bệnh nhân nặng và nguy kịch cũng sẽ tăng, Sở Y tế TP HCM thay đổi mô hình điều trị từ "tháp 4 tầng" lên 5 tầng, ngày 22/7. Mỗi tầng sẽ tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có để chuyển đổi công năng thành các cơ sở chuyên tiếp nhận và điều trị Covid-19, tương ứng với các kịch bản F0 gia tăng.
Trong trường hợp TP HCM có 80.000 F0, tầng một sẽ tiếp nhận 40.000 người (50% F0) tại các khu cách ly quận, huyện và TP Thủ Đức. Tầng 2 chuẩn bị 21.600 giường (27% F0) điều trị bệnh nhận có triệu chứng và bệnh lý nền kèm theo, tại các bệnh viện dã chiến. Tầng 3 gồm 8.000 giường (10% F0), điều trị các ca có triệu chứng. Tầng 4 gồm 6.400 giường (8% F0) tại các bệnh viện điều trị người có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Tầng 5 là bệnh viện hồi sức Covid-19 với 4.000 giường bệnh (5% F0).
Để đáp ứng đủ số giường như kịch bản, thành phố đang nâng công suất, mở rộng cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19. Trong đó, các bệnh viện điều trị ở mức cơ bản, thuộc tầng 3 (8.000 F0), chủ yếu được chuyển đổi công năng từ các bệnh viện quận, huyện.
Nhóm này đang gồm 8 bệnh viện là Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Quân dân y miền Đông, Lê Văn Việt, Hóc Môn, Gò Vấp và Đa khoa Sài Gòn; với tổng cộng 3.315 giường, 606 bác sĩ và 1.008 điều dưỡng tham gia điều trị.
Dự kiến, các bệnh viện Da liễu, Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp, Bưu điện, Giao thông vận tải, Chỉnh hình và phục hồi chức năng cùng một số bệnh viện quận huyện khác sẽ được chuyển đổi công năng (khoảng 4.120 giường).
Ngoài ra, để bù đắp số giường điều trị như kịch bản, các bệnh viện tư nhân có thể được huy động và trưng dụng khi cần với 9.659 giường, gồm: Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, Triều An, Quốc tế City, Quốc tế Nam Sài Gòn, Vạn Hạnh, Hoàn Mỹ Thủ Đức, Xuyên Á.
Tầng 4 hiện có 11 bệnh viện, tổng số giường là 4.041 giường, gồm: Phạm Ngọc Thạch, Trưng Vương, Thủ Đức, TP Thủ Đức, Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 2, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, An Bình, Từ Dũ, Tâm thần. Có tổng cộng 578 bác sĩ chuyên khoa và 1.202 điều dưỡng đang tham gia điều trị.
Ngoài việc nâng công suất các bệnh viện trên, thành phố sẽ đưa hàng loạt bệnh viện khác tham gia điều trị, nâng tổng số giường tầng 4 lên 6.631, gồm: Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, Hùng Vương, Bình Dân, Gia An 115, FV, Tim Tâm Đức, Vinmec Central Park.
Hiện, TP HCM có 4 bệnh viện hồi sức Covid-19 thuộc tầng 5 với 1.800 giường, gồm: Chợ Rẫy, Bệnh Nhiệt đới, Hồi sức Covid-19, Quân y 175. Các cơ sở này được trang bị đầy đủ phương tiện hồi sức hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu các F0 nguy kịch. Dự kiến, bệnh viện Nhân dân Gia Định và Nhân dân 115 sẽ tham gia điều trị bệnh nhân ở tầng này.
Nhân lực ở tầng 5 là các bác sĩ chuyên khoa cấp cứu hoặc các bác sĩ đa khoa được đào tạo ngắn hạn về cấp cứu, hồi sức, có năng lực triển khai các kỹ thuật chuyên sâu như thở máy chức năng cao, lọc máu liên tục, ECMO, hồi sức chống sốc... Điều dưỡng chăm sóc có trình độ cao đẳng trở lên, có kinh nghiệm về hồi sức cấp cứu.
Khó khăn chung của các bệnh viện tầng 5 là thiếu nhân lực bác sĩ chuyên khoa cấp cứu, hồi sức theo số giường đã được phân công. Theo đó, TP HCM đang tăng cường nguồn chi viện từ các tỉnh, thành do Bộ Y tế điều động, đẩy mạnh tập huấn ngắn hạn chuyên đề về hồi sức F0 nặng và nguy kịch.
Sở Y tế TP HCM sắp xếp ít nhất một bác sĩ, hai điều dưỡng chăm sóc và theo dõi mỗi 50-100 F0 tại tầng 1, mỗi 25 F0 tại tầng 2, mỗi 20 F0 tại tầng 3, mỗi 10 F0 tại tầng 4 và mỗi 5 F0 tại tầng 5.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, sáng 24/7, các bệnh viện TP HCM điều trị 37.407 bệnh nhân dương tính, bao gồm kết quả xét nghiệm PCR xét nghiệm nhanh dương tính. Trong đó, 619 bệnh nhân nặng đang thở máy và 12 bệnh nhân can thiệp ECMO. Đến nay, thành phố ghi nhận 496 bệnh nhân tử vong.
Trong đợt bùng phát dịch thứ 4, TP HCM nhiều lần thay đổi kịch bản và mô hình chống dịch. Vào tháng 5, khi mới ghi nhận 3 ca nhiễm, TP HCM xây dựng 3 kịch bản y tế ứng phó, trong đó tình huống nghiêm trọng nhất là 5.000 ca bệnh. Rất nhanh sau đó, số ca nhiễm của thành phố vượt xa tình huống này. Ngành y tế áp dụng chiến lược tháp 3 tầng vào điều trị, chuẩn bị kịch bản 50.000 giường điều trị. Sau nửa tháng, mô hình tháp 4 tầng được thay thế trước tình trạng lượng bệnh nhân tăng gần 500%.