Nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm vào Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, bám sát diễn biến tình hình dịch để thông báo kịp thời về tính nguy hiểm, nguyên nhân lây, cách thức lan truyền bệnh… Bộ Y tế cũng dự báo khả năng lây nhiễm vào Việt Nam để chủ động lên kế hoạch phòng chống; kiểm tra, giám sát việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tại các cửa khẩu.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế hướng dẫn tập huấn, diễn tập việc theo dõi, cách ly, chăm sóc y tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng, hạn chế thấp nhất tử vong và số người mắc. Các Bộ Ngoại giao, Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh thành... triển khai ngay biện pháp phòng chống dịch.
Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến nghị người dân không nên đi đến các vùng đang có dịch bệnh MERS cũng như những trường hợp đang ở vùng dịch có nhu cầu đến hoặc trở về Việt Nam. Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch của ngành y tế.
Dịch Mers-Cov gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông đang bùng phát tại 9 quốc gia vùng Trung Đông và đã lan đến 17 quốc gia khác, trong đó có những quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines.
Đây là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm tương tự dịch SARS, tỷ lệ tử vong cao, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và văcxin phòng bệnh. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiếp xúc gần hoặc nước bọt. Tính đến ngày 3/6, thế giới đã ghi nhận 1.179 trường hợp mắc bệnh trong đó có 442 người tử vong. Riêng Hàn Quốc đã ghi nhận 35 ca mắc, 3 người tử vong, đặc biệt 2 nhân viên y tế đầu tiên được xác nhận lây nhiễm bệnh.
Nam Phương