Chiều 4/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đi kiểm tra công tác triển khai phòng, chống Mers-cov tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Phó giáo sư Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết ngay từ năm ngoái, khi dịch MERS xuất hiện tại khu vực Trung Đông, bệnh viện đã tập huấn, chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống dịch đến Việt Nam. Hiện nay khi Hàn Quốc bệnh lây lan nhanh thì công tác chống dịch ở Việt Nam được đẩy mạnh khẩn cấp hơn.
Bệnh viện đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống MERS phối hợp các tổ lâm sàng, xét nghiệm, khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, huyết học, vi sinh... cùng hỗ trợ phòng chống dịch. Các khu vực cách ly, điều trị bệnh cũng như hậu sự khi có tử vong đã sẵn sàng tiếp nhận, ứng phó dịch bệnh. Công tác truyền thông cho người dân tăng cường ý thức phòng bệnh cũng đang được thực hiện.
"Bệnh viện Chợ Rẫy đang trong cao điểm bệnh tật, lượng bệnh nhân khoảng 2.700 mỗi ngày nên nếu dịch bệnh xuất hiện thì việc kiểm soát lây nhiễm chéo sẽ đặt ra nhiều thách thức", ông Sơn bày tỏ. Hiện bệnh viện có 110 máy thở nhưng đã sử dụng toàn bộ để điều trị bệnh. Bệnh viện đang xã hội hóa về máy thở, dự kiến cuối tuần sau sẽ nhập thêm khoảng 30 máy để đáp ứng điều trị bệnh.
Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết nơi đây cũng gấp rút thành lập quy trình tiếp nhận bệnh nhân nhiễm MERS. Khoa Khám bệnh là nơi tiếp nhận và sàng lọc bước đầu. Bệnh nhân nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ được chuyển đến Khoa Nhiễm D, nơi đã bố trí sẵn 50 giường bệnh.
Là bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế về bệnh truyền nhiễm khu vực phía Nam, các nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã có kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hiện bệnh viện có hơn 1.000 trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế, 36 máy thở, phòng xét nghiệm sinh học cấp 3, khu cách ly đặc biệt với phòng cách ly áp lực âm...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm MERS nhưng tình hình dịch tại Hàn Quốc đang đặt ra nhiều lo ngại khi trong vòng 2 tuần có tới 35 trường hợp nhiễm bệnh. Đặc biệt đã xuất hiện trường hợp lây nhiễm thế hệ thứ 3, thứ 4, tức là không chỉ người tiếp xúc với ca bệnh đầu tiên mới nhiễm bệnh. Điều này chứng tỏ việc lây nhiễm giữa người với người tương đối dễ dàng, khiến các nhà khoa học phải ngạc nhiên. Dịch bệnh hiện nay ở Hàn Quốc giống với kịch bản lây nhiễm dịch SARS năm 2003 tại Việt Nam, gây khủng hoảng không chỉ tại Việt Nam mà toàn cầu ở thời điểm đó.
"MERS hoàn toàn có thể xâm nhập vào Việt Nam. Với sự giao lưu đi lại giữa người dân hai nước ở mức cao như hiện nay thì nguy cơ dịch lan tràn vào Việt Nam luôn trong tình trạng báo động", ông Long nói. Thứ trưởng đồng thời nhấn mạnh, MERS có thể tràn vào bất cứ tỉnh nào chứ không riêng gì TP HCM. Do đó 2 bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh Nhiệt đới phải thường xuyên liên lạc với các bệnh viện tuyến dưới để cập nhật tình hình, kịp thời hỗ trợ trong trường hợp có ca bệnh xảy ra.
Theo thống kê của Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế TP HCM, mỗi ngày tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có 7 chuyến bay đến từ Hàn Quốc với lượng hành khách từ 1.000 đến 1.200 người. Do xuất hiện thêm các ca bệnh MERS ở Hàn Quốc nên phương án của TP HCM sẽ tăng cường kiểm soát hành khách trên các chuyến bay từ đất nước này thay vì chỉ kiểm soát các hành khách đến từ 9 nước Trung Đông như trước đây. Cảng hàng không quốc tế đã tăng cường máy đo thân nhiệt và hóa chất khử trùng, bố trí các cổng, các ống lồng trên máy bay trong trường hợp cần cách ly và chuyển người bệnh khẩn cấp.
Đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết đội phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm được thành lập tại TP HCM để đối phó Ebola từ năm 2014 hiện đã sẵn sàng kích hoạt.
Trong khi đó giới chức y tế Đà Nẵng tỏ ra lo ngại khả năng dịch MERS lây lan qua cảng biển Đà Nẵng, bên cạnh cửa khẩu hàng không tỉnh này. Trong cuộc họp khẩn chiều nay triển khai công tác phòng chống dịch MERS, ông Phạm Trúc Lâm, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Đà Nẵng cho rằng thành phố này có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao, khi hiện nay mỗi tuần có 22 chuyến bay trực tiếp từ Hàn Quốc (hơn 4.500 khách), 63 chuyến bay từ Trung Quốc (12.000-13.000 khách), chưa kể các chuyến bay đến từ các nước vùng Trung Đông. Đặc biệt là lượng khách đến cảng biển Đà Nẵng. "Từ ngày 3/6, Đà Nẵng đã áp dụng tờ khai y tế tại sân bay quốc tế Đà Nẵng và cảng biển Đà Nẵng", ông Lâm cho biết.
Ngoài việc thường trực chống dịch 24/24h, lập đường dây nóng..., Đà Nẵng đã chuẩn bị 1.000 kg Chloramin B 25% để sát trùng, tẩy uế môi trường và 400 bộ trang phục chống dịch; sẵn sàng đầy đủ dụng cụ, môi trường lấy mẫu bệnh phẩm, cử cán bộ trực tiếp tham gia lấy mẫu bệnh phẩm những ca đầu tiên nghi nhiễm Mers.
Sở Y tế Đà Nẵng cũng khuyến cáo người dân hạn chế đi tới các quốc gia có dịch bệnh MERS, giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Người trở về từ khu vực có dịch bệnh trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu viêm đường hô hấp như sốt trên 38 độ C, ho, khó thở hoặc tiếp xúc gần người có dấu hiệu này, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, xét nghiệm.
Lê Phương - Nguyễn Đông