Chia sẻ với 63 tỉnh, thành trong buổi họp trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 31/7, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý bốn điểm chính nhằm đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện Covid-19 đang bùng phát.
Thứ nhất, các địa phương cần có ban chỉ đạo thi, không chỉ cấp tỉnh mà còn cấp huyện. Cơ sở giáo dục, hội đồng thi đóng trên địa bàn quận, huyện nào phải báo cáo mọi vấn đề về y tế, an ninh với ban chỉ đạo thi cấp huyện đó bởi chỉ cấp huyện mới nắm rõ thực tế địa bàn mình.
Thứ hai, ông Tuyên nhấn mạnh phải phân công chức năng rõ ràng cho bốn ngành cốt lõi là giáo dục, y tế, công an và quân đội bởi đây là những ngành chính quyết định kỳ thi có thành công hay không.
Thứ trưởng Tuyên cho rằng kể cả không có Covid-19, đây cũng là bốn ngành cốt lõi. Ví dụ, công an ngoài đảm bảo khâu bảo mật đề thi trong vận chuyển, in sao, trông giữ tại khu vực lưu trữ đề, bài thi thì còn đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông. Còn trong tình hình dịch hiện nay, ngành y tế và giáo dục phải hướng dẫn rất chi tiết trên cơ sở các văn bản của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo vừa tổ chức tốt kỳ thi, vừa làm tốt công tác phòng chống dịch.
Thứ ba, Thứ trưởng Y tế đề nghị tăng cường công tác kiểm tra. "Tôi biết Bộ Giáo dục và Đào tạo hay các địa phương vẫn đi kiểm tra thường xuyên nhưng dường như chúng ta chỉ xem xét cơ sở vật chất", ông Tuyên nói. Ví dụ ngay cả khi không có dịch, các điểm thi cũng phải có phòng trực y tế và huy động nhân viên y tế tới trực, ít nhất nhân viên y tế cấp huyện. Ngoài phòng trực, các điểm thi phải có phòng lưu học sinh để nhỡ quá trình thi có em bị sốt, gặp vấn đề sức khỏe. "Làm ở địa phương nhiều năm, tôi thấy phòng trực y tế chỉ có phòng không, mấy cái giường, ghế, như vậy là không được", ông Tuyên nói.
Ngoài ra, các địa phương phải kiểm tra xem các điểm thi có đầy đủ trang thiết bị phòng dịch như khẩu trang, nước rửa tay hay không. Việc này ban chỉ đạo thi và phòng chống dịch của cấp huyện phải làm chứ không phải ngành giáo dục.
Việc kiểm tra vệ sinh môi trường, khử khuẩn xung quanh trường, nhà vệ sinh, khử khuẩn phòng thi như thế nào cũng phải được chú trọng. Bộ Y tế khuyến cáo các phòng thi không bật điều hòa, mở cửa sổ thông thoáng, chỉ bật quạt. Nếu điều này đặt ra vấn đề về việc bảo mật đề thi, theo ông Tuyên, công an, lựa lượng an ninh, bảo vệ dân phố phải được điều động tăng lên. Ví dụ trước đây mỗi điểm thi có hai công an thì giờ bổ sung dân phòng nữa.
Cuối cùng, ông Tuyên cho rằng các địa phương phải thực hiện nghiêm túc công văn 2832 ngày 30/7 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường các biện pháp an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 trước diễn biến phức tạp của Covid-19. Theo đó, thí sinh thuộc diện F0, tức là bệnh nhân không tham gia thi phải được cách ly và điều trị tại cơ sở y tế.
Thí sinh thuộc diện F1 (tiếp xúc gần với F0, phải cách ly tập trung), Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh xem xét bố trí cho thi tại khu vực cách ly hoặc tại điểm thi riêng phù hợp ở gần với khu vực cách ly.
Với thí sinh thuộc diện F2 (tiếp xúc với F1, cách ly tại nơi cư trú), ban chỉ đạo thi cấp tỉnh cho dự thi tại phòng thi dự phòng của điểm thi hoặc tại điểm thi riêng phù hợp với điều kiện của địa phương. Nhóm thí sinh còn lại dự thi bình thường theo kế hoạch. Quá trình thi, thí sinh có biểu hiện ho, sốt sẽ được cho thi tại phòng thi dự phòng tại điểm thi.
Ngoài việc phân nhóm thí sinh, Thứ trưởng Tuyên cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn học sinh trước khi vào phòng thi phải được đo nhiệt độ. Thí sinh thuộc diện F1, F2 phải được yêu cầu đeo khẩu trang, giãn cách trong phòng thi. Giáo viên, người tham gia công tác thi tại phòng thi có thí sinh thuộc diện F1, F2 cũng phải thực hiện như vậy, tránh chủ quan.
Dù đưa ra nhiều biện pháp, ông Tuyên cho rằng quan trọng nhất là giáo viên, học sinh phải tự giác thực hiện. Cán bộ giáo viên phải gương mẫu trước. "Tình hình dịch hiện nay ở thế giới diễn biến phức tạp, trong khi chúng ta vẫn phải đón công dân về nước. Khoảng 90 ngày tình hình dịch tốt, người dân có biểu hiện chủ quan", ông Tuyên nói.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong hai ngày 9-10/8, ngày 8/10 thí sinh đến làm thủ tục. Các em phải làm ba bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Kết quả được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là cơ sở để xét tuyển đại học.
Hiện, Covid-19 diễn biến phức tạp, sau khi xin ý kiến các bên và cân nhắc nhiều khía cạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định chia kỳ thi làm hai đợt. Đợt một diễn ra theo kế hoạch (ngày 9-10/8), đợt hai muộn hơn dành cho thí sinh diện F1, F2 và ở địa phương đang giãn cách xã hội.