Gần 10 năm trước, tôi làm quen với một gia đình vạn chài ở Chương Dương Độ, sống bên bờ sông Hồng. Đó là một gia đình nghèo, nhưng tự trọng. Họ không dễ kết bạn, mang ánh mắt cảnh giác với một gã thị dân “sạch sẽ” như tôi.
Phải mất một thời gian, tôi mới lấy được niềm tin. Tôi yêu quý gia đình ấy vô điều kiện. Tôi tặng xe đạp cho lũ trẻ, đóng tiền học cho chúng. Họ coi tôi như người trong nhà, cho đến khi một biến cố ngoài mong muốn ập đến. Tôi thỉnh thoảng dắt bạn bè và đồng nghiệp xuống con thuyền của gia đình chơi. Họ cũng đón tiếp nhiệt tình. Nhưng rồi bỗng một ngày, vì một hiểu nhầm hay sai lệch thông tin nào đó, một trong số đồng nghiệp của tôi viết bài về gia đình nọ: bài báo viết rằng cô con gái của nhà vạn chài ấy nhiễm HIV.
Đó là một cú giáng mạnh vào con thuyền xiêu vẹo ấy. Cô con gái trẻ đang vào độ tuổi đẹp nhất của thời thiếu nữ, mang một cái “án miệng” không thể nào gỡ bỏ. Tôi đã cố sức thanh minh nhiều nhẽ, nhưng sự thân tình chấm dứt. Người cha trong gia đình nhìn tôi với ánh mắt lạnh nhạt, buông những câu chào xã giao. Họ không bao giờ chấp nhận lời xin lỗi của tôi. Và tôi cũng không còn mặt mũi nào bén mảng đến con thuyền ấy một lần nữa, suốt gần 10 năm qua.
Danh dự của một con người là thứ vô hình. Nhưng nó lại vô cùng lớn lao và là thứ mà khi đã bị tổn hại rồi thì khó để cứu vãn. Và lời xin lỗi, đôi khi rất vô nghĩa trước những tình huống danh dự con người đã bị tổn thương. Tôi nhớ đến câu chuyện ấy khi đọc về lời xin lỗi bị từ chối của Viện kiểm sát Nhân dân huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) dành cho người đã tố cáo “cát tặc”. Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc, tháng 9/2015 đã gọi công an báo cáo việc phát hiện tàu đang hút cát lậu trên sông Đồng Nai. Nhưng sau đó, trong quá trình làm việc với công an, những khúc mắc xảy ra, để rồi chị Ngọc bị… bắt tạm giam vì chống người thi hành công vụ.
Thủ tướng đã chỉ đạo làm rõ. Công an và VKSND huyện đã nhận sai trong việc bắt giam chị Ngọc. Người ký quyết định khởi tố chị Ngọc cũng bị đình chỉ công tác. Nhưng chị Ngọc không nhận lời xin lỗi. Bó hoa được trao trong buổi xin lỗi của VKSND, chị bỏ chỏng chơ lại trên bàn.
Lời xin lỗi bị từ chối ấy gợi nhớ lại rất nhiều “lời xin lỗi” mà các cơ quan tư pháp và hành pháp nước ta đã phải nói trong những năm qua. Nhiều người đã nhận lời xin lỗi, cho cả chục năm cuộc đời oan sai. Và nó đặt ra một câu hỏi nhức nhối: Lời xin lỗi liệu có ý nghĩa gì không khi những thứ mất đi là hoàn toàn không thể cứu vãn được?
Tôi cũng đã tự rà soát lại bản thân rất nhiều lần sau sự oan ức của gia đình vạn chài 10 năm trước. Tôi không cố tình, nhưng liệu tôi có thể tránh được sai lầm không? Tôi cũng làm báo, tôi cũng hiểu được sự vô tình của dư luận, hiểu được sự dễ bị tổn thương của gia đình nọ, tôi đáng ra đã có thể làm chủ tình huống tốt hơn.
“Nhận thức pháp luật của cơ quan điều tra và VKSND chưa chuẩn xác” là lời thanh minh của đại diện cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Đồng Nai trong vụ chị Ngọc. Nhưng với tôi, đó không thể là một lý do đáng chấp nhận. Các cơ quan thực thi pháp luận mà nhận thức pháp luật chưa chuẩn thì người dân liệu có dám tin vào công lý?
Chị Ngọc có lý do để từ chối lời xin lỗi, khi cảm thấy mình vẫn còn chịu bất công: chị không bị khởi tố hình sự nhưng vẫn nhận một án phạt hành chính. Chưa bàn đến sự đúng sai của cái án phạt hành chính ấy, làm sao tránh uất ức khi một người dân phải làm việc với những cán bộ “nhận thức pháp luật chưa chuẩn xác”?
Lời xin lỗi bị từ chối của tôi 10 năm về trước tạo ra một sự day dứt đến tận bây giờ. Nó là bài học khó quên. Để từ sai lầm ấy, tôi bảo vệ nhân vật của mình tốt hơn, thận trọng hơn trong việc giới thiệu những người yếu thế với đồng nghiệp, tôi nhìn người cũng kỹ càng hơn.
Đôi lúc người ta cần những lời xin lỗi bị từ chối. Để hiểu rằng lời xin lỗi đôi khi là hoàn toàn vô nghĩa; để giữ lấy một sự day dứt và hiểu rằng nỗ lực sửa sai phải được thực hiện bằng một quy trình chặt chẽ hơn, tránh những tình huống tương tự trong tương lai.
Lời “xin lỗi” mà nhân dân mong đợi nhất chính là một hệ thống được cải thiện chất lượng, tránh được oan sai, chứ không phải là buổi lễ và một bó hoa.
Hoàng Minh Trí