Trước đó, cuộc gặp của Bộ trưởng Tài chính các nước sử dụng đồng euro tại Brussels trong ngày 17/11 đã không đưa ra được giải pháp nào cho vấn đề của Ireland. Nguyên nhân chính, theo Bộ trưởng Tài chính Bỉ Didier Reynders, là do Ireland chưa đưa ra đề nghị nào.
Ireland khó có thể tự mình giải quyết khó khăn. Ảnh: AFP |
“Khác với trường hợp Hy Lạp cách đây vài tháng, lần này, chúng tôi chưa nhận được bất cứ một đề nghị giúp đỡ nào từ nền kinh tế đang xảy ra khủng hoảng”, đại diện của Bỉ cho biết.
Theo quy định của khối sử dụng đồng euro, các nước tham gia sẽ chỉ tính đến giải pháp can thiệp nếu như một thành viên đưa ra yêu cầu. Tuy vậy, phía Ireland vẫn khẳng định nước này có đủ khả năng cân đối tài chính, ít nhất cho đến hết năm 2010.
Tuy vậy, giới phân tích cho rằng Ireland gần như không thể tự giải quyết vấn đề của mình với mức thâm hụt ngân sách như hiện nay cũng như kế hoạch tăng thuế và cắt giảm chi tiêu sắp được áp dụng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến lòng tin của các nhà đầu tư trên thị trường tài chính và khiến Ireland phải chịu chi phí vốn cao hơn nhiều nếu có ý định vay mượn thêm. Các quốc gia khác trong EU, do có chung đồng tiền với Ireland, đương nhiên cũng sẽ bị ảnh hưởng. Sau đó sẽ tới lượt những nền kinh tế có kim ngạch mậu dịch lớn đối với khối này.
Do đó, dù muốn hay không, EU và các định chế tài chính quốc tế lớn khác cũng sẽ phải “xắn tay” can thiệp vào cuộc khủng hoảng tại Ireland. Đây cũng chính là lý do vì sao đại điện của IMF, ECB và EU đều phải tức tốc tìm tời Dublin ngay sau khi phiên làm việc tại Brussels không thể đưa ra giải pháp cụ thể nào.
Phát biểu ngay trước khi lên đường, Tùy viên thương mại EU Olli Rehn cho biết nội dung chủ yếu của các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào vấn đề thâm hụt ngân sách và ổn định hệ thống ngân hàng của Ireland.
Theo bình luận viên kinh tế nổi tiếng của BBC, Robert Peston, vai trò của IMF trên bàn đàm phán Dublin sẽ trở nên đặc biệt quan trọng, tương tự như trường hợp của Hy Lạp, bởi những điều kiện mà tổ chức này đưa ra sẽ ảnh hưởng lớn đến việc Chính phủ Ireland có đưa ra yêu cầu trợ giúp hay không.
Trong khi đó, một nguồn trợ giúp khác cũng đang được chính quyền Dublin xem xét là từ người láng giềng Anh. Tuy không sử dụng đổng euro nhưng với những quyền lợi kinh tế sát sườn với Ireland, nước Anh rõ ràng không thể đứng ngoài.
Theo nguồn tin của hãng BBC, Chính phủ Anh đang xem xét một gói trợ giúp tài chính trị giá nhiều tỷ bảng dành riêng cho Ireland. “Mặc dù chưa nhận được lời đề nghị nào nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ Ireland”, người phát ngôn của Bộ Tài chính Anh cho biết.
Nhật Minh