![]() |
Reuters có bài giới thiệu về các đội quân trên đường phố Thái Lan hiện nay, dưới đây. Những biến động ở Thái Lan thời gian qua chủ yếu xoay quanh cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra - người được "áo đỏ" yêu mến và bị "áo vàng" ghét bỏ. Ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính do những người áo xanh - tức quân đội đầy quyền lực và cũng có mâu thuẫn nội tại - tiến hành. Áo vàng là ai? Những người thuộc Liên minh Dân chủ vì Nhân dân (PAD) tại Thái Lan được coi là thân với hoàng gia, giới doanh nghiệp và tầng lớp trung lưu thành thị, có chủ trương chống lại Thaksin. Những người này từng tràn ra đường phố năm 2005 phản đối việc Thaksin đắc cử lần thứ hai và cho rằng kết quả bầu cử là biểu hiện lũng đoạn và bất trung với đức vua Bhumibol Adulyadej. Phe áo vàng đặc biệt trung thành với quốc vương 82 tuổi. Các cuộc biểu tình của áo vàng đã dẫn đến cuộc đảo chính không đổ máu năm 2006. Sau đó, khi đảng thân Thaksin được bầu lên, họ đã chiếm giữ các tòa nhà chính phủ trong 193 ngày trong năm 2008, và góp phần hạ bệ hai thủ tướng. Chiến thắng lớn nhất của phe này là chiếm đóng được sân bay Bangkok trong 8 ngày vào cuối năm 2008, chính cuộc vây hãm này đã làm tan rã đảng Sức mạnh Nhân dân - phe ủng hộ Thaksin - đồng thời mở đường cho thủ tướng Abhisit Vejjajiva lên nắm quyền lực. Kể từ đó, phe áo vàng tạm đứng sang một bên, nhưng tình hình có vẻ thay đổi khi phe này đe dọa sẽ có một vụ biểu tình lớn nhất từ trước đến giờ. Áo đỏ Đây là phe tự nhận đại diện cho nông dân và tầng lớp lao động thành thị, những người rất phẫn nộ khi chính trị bị can thiệp bởi những tầng lớp quyền lực như tòa án, doanh nghiệp lớn và các vị tướng trong quân đội. Phe áo đỏ nói chính phủ của ông Abhisit lên nắm quyền lực bằng cách nhờ quân đội dàn xếp việc thương lượng số ghế trong quốc hội hồi tháng 12/2008, do đó chính phủ này là không hợp pháp. Phía phe áo đỏ không có dấu hiệu ngừng phản đối. Mặc dù bị coi là những người biểu tình được tài trợ bởi ông Thaksin, các cuộc biểu tình của phe này khá yên bình và đã thu hút được đám đông 150.000 người. Từ hôm 12/3, họ bắt đầu chiếm đóng các khu vực trung tâm lịch sử của Thái Lan ở thủ đô Bangkok, sau đó đi tới những khu trung tâm mua sắm và khách sạn cao cấp. Năm ngoái, phe này đã khiến hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo châu Á bị hủy, đóng cửa các trụ sở của chính phủ và hai lần va chạm với quân đội. Có nhiều cách giải thích tại sao họ lại chọn màu áo đỏ: đỏ nghĩa là dừng lại, chấm dứt phe áo vàng; màu đỏ là màu của sự hy sinh; màu đỏ tượng trưng cho dân tộc trong lá cờ ba màu của Thái lan. Áo trắng, áo hồng Trong vài tuần trở lại đây, một số người đã biểu tình để phản đối phe áo đỏ hoặc ủng hộ chính phủ. Những người Thái không theo đảng phái chính trị nào thì mặc áo trắng để diễu hành kêu gọi hòa bình. Có người lại mặc áo hồng, màu sắc ưa thích của đức vua, để kêu gọi phe áo đỏ về nhà. Nhiều người cho rằng đó thực chất là những người thuộc phe áo vàng. Áo xanh - quân đội Từng tiến hành hoặc định 18 cuộc đảo chính trong 77 năm qua, quân đội Thái Lan chưa bao giờ tách rời khỏi chính trị, nhiều nhà phân tích cho rằng quân đội đóng vai trò rất lớn trong chính phủ hiện tại. Tuy nhiên, nội bộ trong quân đội và những nhà phân tích an ninh lại cho rằng quân đội hiện nay bị chia rẽ về hai phe đỏ và vàng, chính những đợt biểu tình gần đây đã cho thấy sự chia rẽ đó. Những vị tướng chỉ huy cấp cao chủ yếu nghiêng về phe áo vàng, thân với hoàng gia, nhưng nhiều người trong hàng ngũ quân đội có xuất thân từ những vùng quê nghèo khó của Thái Lan và có xu hướng cảm thông với phe áo đỏ. Họ bị gọi là “quả dưa hấu” – xanh vỏ, đỏ lòng. Một số quân nhân đang nghỉ phép thậm chí còn gia nhập các đoàn biểu tình áo đỏ. Nhiều vị tướng từng ủng hộ Thaksin đã bị thuyên chuyển sang những vị trí không quan trọng hoặc bị hạ cấp khi ông trùm tập đoàn truyền thông bị lật đổ. Rất nhiều người đã về hưu và gia nhập đảng Puea ủng hộ Thaksin. Họ vẫn còn chút ảnh hưởng trong quân đội. Có những thông tin cho rằng một số quân nhân hoặc dân quân đã đứng về phe áo đỏ, mong muốn đưa Thaksin trở lại nắm quyền. "Quả cà chua"? Việc thủ tướng Abhisit Vejjajiva nhờ quân đội để duy trì an ninh có lẽ xuất phát từ việc mất lòng tin vào sự hợp tác với cảnh sát. Cảnh sát chống bạo loạn chỉ kháng cự vừa phải đối với các cuộc biểu tình của phe áo đỏ và những lãnh đạo cấp cao liên quan đến ông Thaksin, một người cũng từng là cảnh sát. Người Thái thậm chí gọi cảnh sát là cà chua – đỏ từ trong ra ngoài. Cảnh sát lẽ ra có trách nhiệm bắt giữ thủ lĩnh phe áo đỏ hôm thứ sáu ở một khách sạn. Nhưng vụ việc này kết thúc bằng màn đào thoát của các thủ lĩnh áo đỏ. Thậm chí áo đỏ còn tuyên bố bắt đi hai sĩ quan cảnh sát cấp cao làm con tin. Áo đen Trông rất bí ẩn, những tay súng xuất hiện trong đám đông biểu tình hôm 10/ 4 bị cho là đã giết 25 người và làm bị thương hơn 800 người. Chính phủ đã gọi đó là những “kẻ khủng bố”. Chính phủ Thái cũng như quân đội đều bác bỏ việc họ có liên quan đến cái chết của những người biểu tình. Có thông tin ở Thái Lan cho rằng đấy là những vụ ám sát để thanh toán tư thù. Minh Phương lược dịch
|