Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDSN) ngày 20/3 công bố Báo cáo Hạnh phúc Thế giới lần thứ 10, cho thấy Mỹ xếp ở vị trí 23, tụt 8 hạng so với năm ngoái.
Mỹ chưa từng lọt top 10 trong bảng xếp hạng, nhưng đây là lần đầu tiên SDSN khảo sát người dân các nước theo độ tuổi, qua đó phát hiện khác biệt trong mức độ hài lòng với cuộc sống của người trẻ và nhóm lớn tuổi hơn.
Báo cáo cho thấy thế hệ trẻ hạnh phúc hơn người lớn tuổi ở hầu hết các nước trên thế giới, ngoại trừ Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. Mỹ lọt top 10 trong mức độ hài lòng với cuộc sống của những người trên 60 tuổi, nhưng xếp thứ 62 với những người dưới 30 tuổi, khiến mức xếp hạng chung bị kéo giảm.
Jan-Emmanuel De Neve, giáo sư kinh tế và khoa học hành vi tại Đại học Oxford, một trong những tác giả của báo cáo, cho rằng người Mỹ dưới 30 tuổi đang trở nên kém hạnh phúc hơn đáng kể trong những năm gần đây, thể hiện một cuộc khủng hoảng trong giới trẻ nước này.
De Neve chỉ ra mức độ hạnh phúc của người dưới 30 tuổi ở Mỹ còn kém cả Cộng hòa Dominica, ngang với các quốc gia như Malaysia và Nga.
"Tôi chưa từng thấy sự thay đổi nào cực đoan đến vậy. Nhìn chung mức độ hài lòng với cuộc sống ở người trẻ trên thế giới không sụt giảm, nhưng lại xảy ra chủ yếu ở các nước nói tiếng Anh trong 10 năm qua", John Helliwell, nhà kinh tế học, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, nói.
Nghiên cứu của Đại học Harvard năm 2022 cho thấy mức độ hạnh phúc của người trẻ Mỹ giảm sút trong 20 năm gần đây, trong đó nhóm 18-25 tuổi kém hài lòng với cuộc sống nhất. Sức khỏe thể chất, tinh thần, tính cách, đạo đức, ổn định tài chính, ý thức mục đích sống của nhóm này cũng kém nhất. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở Anh và Canada.
Tiến sĩ Lorenzo Norris, phó giáo sư tâm thần học tại Đại học George Washington, nhận định đại dịch Covid-19 gây gián đoạn cuộc sống là nguyên nhân chính khiến người trẻ Mỹ gặp thách thức về sức khỏe tâm thần.
"Kết quả của SDSN thể hiện tác động của đại dịch đối với các hành vi tương tác, cởi mở với xã hội, cũng như mong muốn kết nối với cộng đồng. Tình trạng xa lánh xã hội chủ yếu xảy ra ở người trẻ, đặc biệt là học sinh trung học, và vẫn tiếp diễn", ông cảnh báo.
"Khi trưởng thành, chúng tôi được tiếp cận tất cả tin tức trên thế giới và chú ý đến những thứ có thể kiểm soát, nhưng nhận ra có rất ít thứ như vậy. Dù có thể trả tiền nhà, hóa đơn đúng hạn, hay đi biểu tình, chúng tôi nhận ra hành động của mình thực sự có rất ít tác động", Jade Song, nhà văn 27 tuổi, tự coi mình trong số những người không hài lòng với cuộc sống những năm gần đây, nói.
De Neve cho rằng mức độ không hài lòng của giới trẻ Mỹ với cuộc sống là tổng hòa của nhiều yếu tố, từ sự phân cực chính trị ở nước này tới việc lạm dụng quá mức mạng xã hội, hay nỗi bất an về tương lai và bất bình đẳng kinh tế ngày càng lớn giữa các thế hệ. Những người dưới 30 tuổi gặp khó khăn ngày càng lớn trong giấc mơ mua nhà.
"Đây là quãng thời gian rất khó khăn cho người trẻ, với rất nhiều áp lực và đòi hỏi", ông nói.
Bảng xếp hạng được SDSN thực hiện dựa trên khảo sát mức độ hạnh phúc của người dân, kết hợp với những thông tin như GDP trên đầu người, tuổi thọ, tự do cá nhân, sự hào phóng, hỗ trợ xã hội và tình trạng tham nhũng.
Top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới là Phần Lan, Đan Mạch, Iceland, Thụy Điển, Israel, Hà Lan, Na Uy, Luxembourg, Thụy Sĩ và Australia. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Phần Lan đứng đầu danh sách, dù người Phần Lan từ lâu tranh cãi về danh hiệu này.
Đức Trung (Theo AP, AFP)