Theo đại tá Gerald Tatzgern, lãnh đạo cơ quan chống buôn người của cảnh sát Áo, chỉ tính riêng ở Hy Lạp có tới 200 đường dây buôn người từ Afghanistan và vùng Trung Đông tới Liên minh châu Âu (EU) qua khu vực Balkans.
"Nó đang phát triển thành một ngành kinh doanh béo bở trị giá nhiều tỷ USD", bà Mikl-Leitner, Bộ trưởng Nội vụ Áo, nhận xét, đồng thời thêm rằng những kẻ buôn người này có mặt ở khắp nơi, từ Bulgaria, Hungary, Macedonia đến Romania và Serbia.
Tại nhà ga xe lửa Keleti ở thủ đô Budapest, Hungary, nơi hàng nghìn người tị nạn đang trên đường tới Tây Âu nhưng bị nhà chức trách nước này chặn lại, sự hiện diện của những kẻ buôn người có vẻ như là điều bình thường. Lực lượng này lặng lẽ tiếp cận đám đông người di cư, mời chào đưa họ tới Áo với giá vài trăm USD.
Song, những ký ức đau buồn về thảm kịch 71 người di cư thiệt mạng trong chiếc xe tải chở gà khóa kín trên quốc lộ ở Áo hồi tuần trước vẫn còn đó. Các nạn nhân bị chính kẻ buôn người bỏ rơi. Trong một vụ việc tương tự, cảnh sát Áo vừa giải cứu 24 người Afghanistan cũng từ một xe tải đóng chặt sau cuộc truy đuổi qua nhiều tuyến phố ở thủ đô Vienna, Áo. "Chỉ muộn một tiếng nữa thôi là họ sẽ chết hết", bà Mikl-Leitner nói.
Theo ông Rob Wainwright, người đứng đầu Europol, cơ quan thực thi pháp luật của EU, hiện có khoảng 30.000 người đang trực tiếp tham gia các mạng lưới buôn người. Những nhóm buôn người trước đây thường đưa người tị nạn vượt biên bằng đường biển. Nhưng trong vụ việc ở Áo, một đường dây ngay trên đất liền đã được hình thành. Cảnh sát nghi ngờ tài xế xe tải và người đồng hành là thủ phạm chính của thảm kịch.
Những kẻ buôn người "đang gây ra vô số cái chết nhưng lại không bị trừng phạt", bà Melissa Fleming, phát ngôn viên trưởng cơ quan chuyên trách về người tị nạn của Liên Hợp Quốc, nói.
Phương thức đa dạng
Theo thông tin từ chính quyền, những nhóm buôn người hoạt động quanh vùng Balkans rất đa dạng về quy mô cũng như mức độ tinh vi. Chúng thường là những băng đảng tội phạm địa phương với mục tiêu đơn giản chỉ là nắm lấy mọi cơ hội để kiếm tiền. Những kẻ này hay thuê người Afghanistan hoặc Syria làm đại diện đứng ra giao dịch với các khách hàng tiềm năng.
"Nếu người di cư mang nhiều tiền, bọn buôn người sẽ cấp cho họ một tấm hộ chiếu giả hay thẻ căn cước ăn cắp cùng visa và vé máy bay tới một nước châu Âu định sẵn", bà Izabella Cooper, đại diện Frontex, tổ chức chuyên giám sát các hoạt động ở biên giới của EU, nói. "Nhưng rất ít người đủ khả năng đáp ứng lựa chọn này".
Theo Livia Styp-Rekowska, chuyên gia về quản lý nhập cư và các vấn đề biên giới thuộc Tổ chức Di cư Quốc tế, kịch bản thường xảy ra hơn là người di cư sẽ đi qua Thổ Nhĩ Kỳ để tới Đức cùng một kẻ điều phối, sau đó được chuyển qua tay các nhóm buôn người khác nhau. Mỗi lần trung chuyển họ đều phải trả tiền.
Bà Styp-Rekowska thêm rằng hoạt động buôn người còn xuất hiện tràn lan trên mạng. "Ngày càng có nhiều mẩu quảng cáo trực tuyến được viết bằng tiếng Arab nhắm tới những người tị nạn Syria", bà nói.
Theo ông Patrik Engstrom, chỉ huy lực lượng cảnh sát tuần tra biên giới Thụy Điển, những kẻ buôn người có rất nhiều mánh khóe để đưa người di cư vào quốc gia này, từ hình thức đơn giản như sử dụng các xe nhà ở lưu động hay phức tạp hơn là thuê cả phi cơ, khởi hành từ Thổ Nhĩ Kỳ, để chuyển người di cư. Mỗi khách hàng phải trả khoảng 10.000 USD cho một chỗ ngồi trên chuyến bay này. Khi tiếp đất, họ được xác nhận là người tị nạn.
Vì số lượng người di cư tới châu Âu đang gia tăng với tốc độ chóng mặt nên chính quyền một số nước phải thực hiện các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn lượng người tiếp tục đổ về. Hungary còn dựng một hàng rào dây thép gai dài 174 km dọc biên giới với Serbia để ngăn dòng người di cư. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các hành động kiểu này chỉ càng tạo điều kiện cho những kẻ buôn người.
"Khi mà việc đi tới châu Âu trở nên khó khăn, mức giá mà người di cư phải trả cho bọn buôn người cũng như vai trò của chúng sẽ tăng lên", ông Tuesday Reitano, giám đốc Tổ chức Sáng kiến Toàn cầu chống Tội phạm xuyên quốc gia, nhận định.
Theo các quan chức thực thi pháp luật, dịch vụ mà người di cư nhận được tỷ lệ thuận với mức giá mà họ trả cho bọn buôn người, dao động từ vài trăm USD tới hàng chục nghìn USD.
Dù vậy, những người di cư giờ đây cũng tỏ ra thận trọng hơn trước các nhóm buôn người. Những vụ việc người di cư thiệt mạng hay bị kẻ buôn người lừa đảo thường xuyên xảy ra khiến họ trở nên cảnh giác hơn.
Một nhóm buôn người săn lùng dân di cư thường tập trung bên ngoài nhà ga Kelete tuần này mời gọi được khá nhiều nạn nhân. Chúng hứa đưa họ tới biên giới Áo nhưng thay vào đó, những người di cư bị nhồi nhét phía sau một chiếc xe không có cửa sổ và lái đi lòng vòng quanh tuyến đường vành đai bên ngoài Budapest. Chúng cuối cùng thả họ xuống một trung tâm mua sắm ở ngoại ô trông giống cửa khẩu biên giới. Một số người khác bị bỏ rơi trong rừng hay bị hăm dọa nếu buông lời phàn nàn. Có người còn bị cướp hết tài sản và bỏ lại bên lề đường tại những nơi hẻo lánh.
"Chúng tôi đã giải thích cho họ nhưng dường như những lời dụ dỗ của bọn buôn người có sức hấp dẫn hơn", ông Zoltan Bolek, người đứng đầu Cộng đồng Hồi giáo Hungary, nói. "Xe taxi sẵn sàng chở họ tới biên giới Áo hay bất cứ đâu. Bỏ ra 1.000 euro cùng một chút may mắn là họ có thể tới được nơi cần đến".
Vũ Hoàng (theo Washington Post/New York Times)