Tranh cãi nảy lửa kéo dài gần một tháng giữa các thành viên NATO đã không mang lại thỏa thuận về "những kế hoạch phòng bị" bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp Mỹ phát động cuộc chiến chống Iraq. Hôm 12/2, đại sứ 19 nước NATO đã được triệu tập tham dự phiên họp khẩn cấp trong ngày thứ 3 liên tiếp tại trụ sở ở Brussels. Tại đó, Tổng thư ký NATO, ông Robertson đã đưa ra những đề xuất mới nhằm hàn gắn vết rạn. Tuy nhiên, Pháp cùng Đức, Bỉ, những nước phủ quyết đề nghị của Mỹ hai ngày trước đó, phản ứng một cách lạnh nhạt.
Vì là thành viên NATO duy nhất có chung biên giới với Iraq, nên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ bị đe dọa hơn cả nếu chiến tranh xảy ra. Đề cập đến việc kế hoạch phòng thủ cho mình bị phủ quyết, Ankara đã viện dẫn Điều khoản 4 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Đây là lần đầu tiên quy định này được dẫn chiếu kể từ khi ký kết hiệp ước năm 1949. Theo điều khoản này, các đồng minh phải tham vấn nhau "khi toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hay an ninh của bất kỳ bên nào bị đe dọa". Mỹ muốn NATO chuẩn bị triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ radar cảnh báo sớm sử dụng cho máy bay AWACS, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và các đơn vị chống chiến tranh hóa sinh. Tuy nhiên, Pháp, Đức và Bỉ phản đối biện pháp trên vì cho rằng điều đó có nghĩa NATO thừa nhận chiến tranh là không tránh khỏi và vì vậy, nhấn chìm những nỗ lực cuối cùng nhằm đạt được một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột với Saddam Hussein.
Các cuộc khủng hoảng từng xảy ra trong NATO |
- 1956: Cuộc khủng hoảng kênh đào Suez là thử thách đầu tiên với NATO. Hai thành viên NATO Pháp, Anh đưa quân đến bờ biển Israel trong cuộc chiến tranh chống Ai Cập vì Tổng thống Nasser quyết định quốc hữu hoá kênh đào Suez. Mỹ phản đối hành động của Paris và London.
- 1966: Lo ngại ảnh hưởng của Mỹ, ông De Gaulle quyết định rút Pháp ra khỏi Bộ chỉ huy NATO. Trụ sở Liên minh Bắc Đại Tây Dương buộc phải chuyển từ Paris sang Brussels. Tuy nhiên, Pháp vẫn duy trì quân đội ở Đức. - 1974: Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ bên bờ vực chiến tranh. Cuộc đảo chính của tướng lĩnh Athens chống tổng thống Makarios dẫn đến việc chiếm đóng đảo Síp, phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ. - 1979: Chủ nghĩa hòa bình chống lại tên lửa châu Âu. Quyết định triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung chống tên lửa SS-20 (Liên Xô) của NATO châm ngòi cho làn sóng phản đối của những người yêu chuộng hoà bình ở cựu lục địa, đặc biệt là Tây Đức. - 1989: Bức tường Berlin sụp đổ. Sự kiện mang tính biểu tượng đánh dấu sự sụp đổ của khối Đông Âu đặt NATO vào hoàn cảnh khó khăn. Không còn đối thủ truyền kiếp, NATO đứng trước lựa chọn hoặc tan rã hoặc thích ứng với thời cuộc mới. |
Mỹ rất giận dữ trước quan điểm của Paris, Berlin và Brussels. Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld cảnh báo 3 nước này sẽ bị "các quốc gia NATO khác phân xử". Ngoại trưởng Bỉ Louis Michel than phiền rằng kế hoạch bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bao gồm cả chuẩn bị bảo vệ cho lực lượng Mỹ trên toàn châu Âu, tìm kiếm sự thay thế cho lính gìn giữ hoà bình ở Balkans vì họ sẽ sớm được phái tới Iraq.
Với hy vọng các bên đạt được đồng thuận, ông Robertson đề nghị chỉ giúp đỡ Ankara. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố như vậy vẫn chưa đủ để nước này chấm dứt phản đối. Theo các nhà ngoại giao ở Brussels, 3 thành viên NATO giờ đây dường như khó có khả năng thay đổi quan điểm, ít nhất cho đến khi Trưởng đoàn thanh sát vũ khí (UNMOVIC) Hans Blix báo cáo lên Hội đồng Bảo an ngày 14/2 tới.
Cách đây vài ngày, ông Robertson vẫn cố giảm bớt mức độ khủng hoảng trong liên minh. Ông tuyên bố không hề có bất đồng xung quanh vấn đề liệu NATO có chuẩn bị bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ hay không, mà các nước chỉ tranh cãi về thời điểm tiến hành việc này. Tuy nhiên, giờ đây, ông Robertson thừa nhận việc các nước không nhất trí sẽ gây ra "những hậu quả nghiêm trọng". Theo lời đại sứ Mỹ tại NATO Nicholas Burns, liên minh Bắc Đại Tây Dương đang trải qua "một cuộc khủng hoảng về uy tín".
Thổ Nhĩ Kỳ đang ở thế khó xử. Cũng như tại nhiều quốc gia khác, công chúng nước này phản đối chiến dịch quân sự chống Iraq do Washington đứng đầu. Người ta còn phản đối mạnh mẽ hơn nếu Ankara tham chiến. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ rất dễ bị tổn thương vì có thể bị Iraq tấn công trả thù. Họ cũng có nguy cơ phải gánh chịu bất ổn ở khu vực người Kurd sinh sống, nếu người Kurd ở bắc Iraq lấy việc Saddam Hussein sụp đổ làm cớ để thành lập nhà nước riêng.
Để thay thế sự bảo vệ của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ phải tìm kiếm đảm bảo phòng thủ song phương với Mỹ và các bên tự nguyện khác. Nếu cuộc khủng hoảng hiện nay đi xa hơn nữa, nó sẽ đánh vào uy tín vốn có của NATO là liên minh phòng thủ tập thể "một nước vì mọi nước, mọi nước vì một nước". Ngay cả khi tình hình không tiến tới mức đó, thì sự miễn cưỡng của 3 thành viên quan trọng trong phản ứng với nguy cơ an ninh của nước khác đã đặt vấn đề đối với tương lai khối quân sự, hay nói đúng hơn là gợi ra nhiều câu hỏi. Một số nước châu Âu ngày càng lo ngại về việc Mỹ hành động đơn phương và gây áp lực bằng sức mạnh của mình. Họ cũng nghi ngờ về vai trò của NATO trong tương lai.
Trong trường hợp của Pháp, những mối quan ngại đó không phải là mới. Họ không nguôi lo lắng về cơ cấu quân sự trong liên minh và, kể từ thời De Gaulle, Paris đã tìm cách chống ảnh hưởng của Washington trong các vấn đề thế giới bằng cách cố gắng xây dựng châu Âu thành một đối trọng. Gần đây hơn, Paris còn thúc đẩy việc thành lập lực lượng phản ứng nhanh EU.
Sau cuộc tấn công khủng bố 11/9, NATO dường như có vai trò mới - bức tường chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Tuy nhiên, chiến tranh ở Afghanistan sau đó không chính thức là chiến dịch của NATO, dù nhiều nước gửi quân. Liên minh quân sự này ngày một mở rộng - 7 nước Đông Âu sẽ tham gia NATO trong năm tới. Tuy nhiên, lớn hơn không có nghĩa là mạnh hơn. Bản thân Đông Âu cũng bị chia rẽ, với Nga (quan sát viên của NATO) rõ ràng đang hướng tới trục Pháp - Đức trong khi Ba Lan (thành viên đầy đủ từ năm 1999) gần đây đã cùng Anh và 6 nước khác ký văn bản ủng hộ quan điểm của Mỹ.
Đầu tuần này, ông Robertson tỏ ý tin tưởng các quốc gia NATO sẽ lường được những hậu quả nghiêm trọng khi không hàn gắn xong rạn nứt xung quanh vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, cho tới nay, người ta vẫn chưa thấy dấu hiệu của sự nhất trí.
Nguyễn Hạnh (theo The Economist, AFP)