Một lần nữa, Covid-19 trở lại, đẩy nước Mỹ vào tình trạng không thể kiểm soát đại dịch. Quốc gia này đã ghi nhận hơn 4,7 triệu ca nhiễm, ít nhất 156.764 trường hợp tử vong. Nhiều chuyên gia lo sợ nCoV có thể cướp đi mạng sống của hơn 200.000, thậm chí 300.000 người vào cuối năm nay.
Mỗi bang, mỗi thành phố đều đang trong một cuộc khủng hoảng riêng với những yếu tố rủi ro khác nhau khiến tình hình đại dịch ngày một xấu đi: các kỳ nghỉ đông đúc, các quán bar tái mở cửa quá sớm, hay người dân biểu tình chống đeo khẩu trang.
"Tình hình tồi tệ hơn hồi tháng 3 rất nhiều khi Covid-19 càn quét New York", tiến sĩ Leana S., cựu ủy viên y tế thành phố Baltimore, cho biết. "Khi đó, nước Mỹ chỉ có một ổ dịch. Giờ cả quốc gia có rất nhiều ổ dịch khác nhau".
Không chỉ các thành phố ở phía Tây và Nam phải đối mặt với những đợt bùng phát chết chóc, những khu vực nông thôn cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Ở hầu hết các bang, việc truy vết tiếp xúc đã không còn quan trọng, đơn giản bởi quá nhiều ca nhiễm. Dù đã có những bước tiến trong việc phát triển vaccine Covid-19, không ứng cử viên nào dự kiến sản xuất vào mùa đông năm nay để kịp thời ngăn chặn một làn sóng mới, điều mà rất nhiều người đang lo sợ.
Các nhà khoa học báo cáo một bầu không khí ảm đạm, kiệt sức đang lan rộng ra khắp nước Mỹ. Từ việc coi nhẹ mức độ nguy hiểm của nCoV, không tuân theo các biện pháp phòng ngừa khi dịch bệnh mới bùng phát, tới cảm giác sợ hãi ngày càng tăng, đến nay dường như người dân Mỹ đang buồn, thất vọng và bất lực, bởi có rất nhiều đám tang sẽ không bao giờ được tổ chức, mọi thứ trong cuộc sống thường ngày đều không diễn ra thuận lợi.
Mỹ được coi là "gã khổng lồ đang bị thương", trong khi phần lớn các nước châu Âu dần hồi phục và mở cửa trở lại.
"Chúng tôi rất thất vọng và sốc vì tình trạng mất kiểm soát của Covid-19 tại Mỹ", tiến sĩ Michele Barry, giám đốc Trung tâm Đổi mới Sức khỏe Toàn cầu, đại học Stanford, nói.
Một số chuyên gia, trong đó có Michael T. Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Bệnh Truyền nhiễm, cho rằng chỉ phong tỏa toàn quốc mới có thể kiểm soát hoàn toàn đại dịch tại thời điểm này. Các nhà nghiên cứu khác lại cho rằng xét về mặt chính trị, điều này không thể thực hiện. Họ nhấn mạnh từng địa phương phải được tự do hành động nhanh chóng và thực thi biện pháp mạnh với sự hỗ trợ từ các nhà lập pháp.
Danielle Allen, giám đốc Trung tâm Đạo đức Edmond J. Safra, Đại học Harvard, cho biết cộng đồng nên tiếp tục các biện pháp xét nghiệm, truy vết, cách ly các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm khi phát hiện ít hơn một ca mắc trên 100.000 người, đồng thời hỗ trợ tài chính cho những người cần.
Khi số trường hợp dương tính đạt 25 trên 100.000 người, cần các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn, như đóng cửa quán bar, hạn chế tụ họp đông người.
Các chuyên gia cho hay xét nghiệm cần được chú trọng và tiến hành triệt để tại những khu vực như viện dưỡng lão, nhà tù, nhà máy và nơi có nguy cơ trở thành ổ siêu lây nhiễm khác.
Những giải pháp trên chỉ khả thi khi năng lực xét nghiệm của một quốc gia được mở rộng trên quy mô lớn. Chính quyền Mỹ kỳ vọng có thể bắt đầu xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm theo từng nhóm để tăng tốc toàn bộ quá trình.
Song, phương án này chỉ hiệu quả ở những cộng đồng có tỷ lệ lây nhiễm thấp, hầu như mất tác dụng khi dịch bệnh đã lan rộng khắp nơi. Mỹ đang xét nghiệm khoảng 800.000 người mỗi ngày, trong đó chỉ khoảng 38% được cho là cần thiết.
Các nhà nghiên cứu cho biết đeo khẩu trang ở không gian kín, như trên máy bay, tàu điện ngầm... nên được áp dụng diện rộng.
Hôm 29/7, số ca nhiễm mới tăng mạnh tại 33 bang. Các chuyên gia trước đó đã khuyến cáo các bang có lượng trường hợp mắc mới tăng nhanh cần đóng cửa quán bar, cấm tụ họp đông người và yêu cầu dùng khẩu trang.
Rất nhiều bang đã làm theo cảnh báo, nhưng không rõ có thực hiện kịp thời để ngăn chặn làn sóng tử vong đạt kỷ lục gần đây nhất là 2.750 ca một ngày hồi giữa tháng 4 hay không.
Lê Hằng (Theo New York Times)