Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhận định, sau 99 ngày không có dịch trong cộng đồng, Việt Nam xuất hiện hàng chục ca lây nhiễm chưa rõ F0 là một điều không vui, nhưng cũng không bất ngờ vì dịch vẫn đang hoành hành nhiều nước. Nguyên nhân dịch bùng phát trở lại chắc chắn là có sự lây lan từ bên ngoài khi có nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép, không qua kiểm dịch của ngành y tế. Do đó khả năng có những người bệnh đi lại trong cộng đồng là rất cao khiến dịch lây lan nhanh và khó khoanh vùng hơn.
Ngoài ra, một bộ phận mất cảnh giác, chủ quan và bỏ quên các biện pháp chống dịch như đi máy bay không đeo khẩu trang và thắc mắc "hết dịch rồi sao còn phải dùng", tỏ thái độ khó chịu khi phải đo nhiệt độ. Những người vào chăm bệnh nhân trong bệnh viện không tuân thủ các khuyến cáo phòng chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và dùng nước sát khuẩn.
"Sự buông lỏng ý thức khiến dịch bùng phát lên mạnh mặc dù chính phủ vẫn luôn nhắc nhở phải nâng cao cảnh giác và đề phòng", ông Nga nhấn mạnh.
Giáo sư Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Điều trị Covid-19 Bộ Y tế, nói rằng thời gian vừa qua "vừa mở cửa vừa nghe ngóng" đã đạt được 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Có thể vì thành tích này mà có tư tưởng ngủ quên trong chiến thắng, và vì vậy quên mất việc đeo khẩu trang đến chỗ đông người, lại tụ tập đông người. Đà Nẵng mở cửa rất sớm cho du lịch, chỉ có nửa tháng đã hơn 80.000 người đến, phát triển kinh tế nhưng không lợi cho phòng chống dịch bệnh.
"Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói: chúng ta thắng trận đầu, nhưng như một vùng trũng thấp, muốn yên bình phải có đê bao thật chắc vì xung quanh các ruộng khác mưa vẫn rất to, chắc chắn rò rỉ", giáo sư Kính nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch hội Truyền nhiễm Việt Nam, khẳng định dịch phát triển mạnh mẽ trên thế giới nên nguy cơ dịch trở lại Việt Nam rất cao. Bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng không về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc bệnh nhân, nên rất khó kiểm soát, chứ không phải thành phố chủ quan. Nhiều bệnh nhân không có yếu tố dịch tễ cũng gây nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Theo bác sĩ Hà, tùy từng giai đoạn, chỉ thị khác nhau, người dân ứng biến phù hợp nhưng vẫn phải luôn có ý thức trong bảo vệ, phòng ngừa dịch bệnh. Các bệnh viện trên cả nước cũng siết chặt hơn tuyệt đối quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh, điều trị, chống nhiễm khuẩn...
Hiện, tình hình phức tạp hơn khi người du lịch trở về từ Đà Nẵng có thể mang theo mầm bệnh, phát tán khắp nơi. Hà Nội và TP HCM đều có trường hợp nhiễm. Ngoài ra, ổ dịch ở Bệnh viện Đà Nẵng phức tạp hơn Bệnh viện Bạch Mai vì đã có nhiều cán bộ y tế, người nhà lẫn bệnh nhân nhiễm virus, mức độ lây lan rộng hơn. Một số tỉnh đã tiến hành giãn cách xã hội để phòng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Toàn ngành y tế đang tập trung cả về nhân lực và trang thiết bị để hỗ trợ Đà Nẵng cũng như các địa phương có dịch, từ kiểm soát dịch bệnh cho đến điều trị bệnh nhân.
"Quan trọng nhất là các cá nhân trong cộng đồng cần tuân thủ các hướng dẫn phòng chống dịch của y tế. Nhanh chóng phát hiện các ca F1 và F2 để khống chế, bao vây và cách ly", chuyên gia nhận định.
Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo địa phương phải quyết liệt truy tận nơi, tìm từng người mang mầm bệnh. Người dân cần nhiệt tình hợp tác với chính quyền, khai báo đầy đủ, theo dõi sức khỏe bản thân và không lơ là các biện pháp do Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống dịch bệnh.
Thùy An - Chi Lê