"Trước đó Putin ở đâu?", Valery Dzatiyev, người dân Beslan, đặt câu hỏi trong khi tìm kiếm cậu em trai mới 8 tuổi ở trong số 200 con tin chưa rõ số phận.
Vụ bắt hàng trăm trẻ nhỏ, cha mẹ và giáo viên làm con tin của những tên khủng bố sẽ ám ảnh bất kỳ nhà lãnh đạo chính trị nào. Với Putin, các hậu quả có thể sâu sắc không chỉ với quyền lực của ông, mà cả tương lai nước Nga.
Cuộc khủng hoảng, một phần trong hàng loạt vụ tấn công trong 10 ngày làm khoảng 500 người thiệt mạng, là bằng chứng không thể chối cãi về một thực tế trái ngược với tuyên bố của Kremlin rằng cuộc sống ở Chechnya đang dần tiến tới hoà bình và thịnh vượng.
Tất cả các vụ tấn công do những tên khủng bố có quan hệ với cuộc chiến ly khai ở Chechnya tiến hành. Do vậy, sự tức giận của công chúng đã đổ về phía này. Tuy nhiên, cách giải quyết vụ khủng hoảng con tin của chính phủ và phản ứng của Putin làm người ta bất bình - tình trạng hiếm khi xảy ra với nhà lãnh đạo Kremlin.
Lần đầu tiên kể từ khi Boris N. Yeltsin đưa ông trở thành vị tổng thống thứ hai của nước Nga dịp Giáng sinh năm 1999, quyền lực chính trị vững vàng và sự nổi tiếng của Putin đang bị rạn nứt.
"Đây là đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng Putin", Aleksei Malashenko, nhà phân tích Trung tâm Carnegie Matxcơva, nhận định chỉ vài giờ trước cuộc giải cứu con tin Beslan. "Ông đang vô cùng khó khăn, đang mất quyền kiểm soát tình hình và không biết phải làm gì".
Sergei Y. Glazyev, một đối thủ của Putin trong cuộc bầu cử tổng thống, có cảm giác đất nước đang trong chiến tranh. "Không ai biết liệu mình có thể sống tới ngày mai không", ông nhận xét ngay khi cuộc khủng hoảng con tin bắt đầu.
Tuy nhiên, bất ổn chính trị không phải là mối đe doạ thực sự với quyền lực của Tổng thống Nga. Ông chỉ mới vừa bắt đầu nhiệm kỳ 4 năm thứ hai. Hơn nữa, có rất ít đối thủ chính trị có khả năng thách thức chính sách của Putin. "Chúng ta không còn nhà lãnh đạo nào khác", Liliya Shevtsova, nhà phân tích Trung tâm Carnegie Matxcơva - tác giả cuốn Nước Nga của Putin, khẳng định. "Chúng ta không còn lựa chọn nào khác".
Dù sao, 10 ngày qua cũng đã phá vỡ cảm giác yên ổn của nước Nga. Ít nhất về mặt chính trị, nó cũng đặt Tổng thống Putin vào tình thế chưa từng trải qua. "Chuyện không thể ngờ đã xảy ra", Shevtsova nói.
Sau vụ hai máy bay rơi, những cuộc họp giữa ông Putin với các quan chức an ninh được phát trên truyền hình. Tổng thống Nga hứa hẹn sẽ tiến hành một cuộc điều tra thấu đáo. Tuy nhiên, kể từ khi nhân viên điều tra phát hiện bằng chứng có bom trên khoang máy bay, ông không phát biểu một lời nào. Ông cũng chưa ra tuyên bố về vụ đánh bom tự sát nhằm vào ga tàu điện ngầm Matxcơva cách Kremlin có 4 km.
"Chúng ta đang chứng kiến sự tê liệt trong hệ thống chính trị", Gleb Pavlovsky, nhà phân tích chính trị có quan hệ với Kremlin, nói. "Tất cả các bên đều yên lặng. Tôi cho đây là một vụ bê bối lớn".
Hệ thống chính trị Nga hiện nay phần lớn là do Putin tạo lập. Đảng Nước Nga Thống nhất trung thành với ông chiếm đa số trong Nghị viện và đi theo sự lãnh đạo của ông. Kremlin kiểm soát 3 kênh truyền hình chính. Hệ quả là các hãng truyền thông này cũng đi theo Putin. Ông Pavlovsky cho rằng sự cố kết quyền lực đã gây tác động ngoài dự kiến là làm giảm bớt sự ủng hộ dành cho Tổng thống Nga khi ông và đất nước cần nhất. "Putin đang bị cô độc", nhà phân tích nhận định.
Nguyễn Hạnh (theo NYT)