Theo tờ trình của UBND TP HCM, sẽ có 1.899 trên tổng số 2.740 đoạn đường, tuyến đường được điều chỉnh giá. Trong đó, quận 2 vươn lên đứng đầu nhóm có giá đất tăng cao nhất với tỷ lệ trung bình 100% vì được đổ nhiều vốn đầu tư hạ tầng. Kế đến là quận 7, Tân Bình có tỷ lệ tăng giá 50-100% so với hiện nay.
Các quận trung tâm 1, 3, 4, 5, 10, 11, Phú Nhuận tăng 30-50% trong khi những quận chữ xa nội thị như Gò Vấp, Tân Phú, Bình Thạnh, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi chỉ tăng 10%. Xếp cuối bảng vẫn là khu dân cư Thiềng Liềng thuộc huyện Cần Giờ với giá 110.000 đồng một m2.
Bùng binh Cây Liễu, giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi ngay trung tâm quận 1, TP HCM. Ảnh: Available. |
Năm ngoái, giá đất 3 tuyến đường đắc địa Đồng Khởi, Lê Lợi và Nguyễn Huệ cũng đứng đầu khung giá đất với kỷ lục 67,5 triệu đồng một m2. Tỷ lệ tăng trung bình so với năm 2007 là 50%. Thời điểm công bố khung giá đất mới của năm 2008 đang diễn ra nhiều cơn sốt đất trên thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, hiện nay thị trường địa ốc đang thoái trào, giá nhà đất đã sụt giảm trung bình 60-70% thì khung giá đất năm 2009 lại được đề xuất tăng 30-100% khiến nhiều người bất ngờ.
Mặt tích cực, khung giá mới sẽ tiếp cận với giá chuyển nhượng đất thực tế trên thị trường, tác động tốt tới công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án. Từ đó, người bị thu hồi đất sẽ được hưởng lợi nhiều với khung giá đền bù "dễ thở" hơn trước đây.
Song vấn đề này cũng khiến tăng chi ngân sách cho giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho một số doanh nghiệp mới thực hiện thuê đất từ năm 2008. Hơn nữa, khung giá đất được nâng lên thì tiền sử dụng đất cũng nhiều hơn, ảnh hưởng đến đại bộ phận người dân làm giấy tờ nhà đất hoặc bị ghi nợ tiền sử dụng đất.
Vũ Lê