Nhà đất đang bị đẩy giá lên. Ảnh:Anh Tuấn |
Hiện nay, giá nhà đất rao bán tại các trung tâm tăng rất cao, vì thế giao dịch thành công chiếm tỷ lệ thấp. Nguyên nhân, theo giải thích của Công ty địa ốc Hùng Sơn, là do người mua, kẻ bán đều có tâm trạng chờ đợi chính sách.
"Khi khung giá đất mới ban hành, thuế nhà đất sẽ tăng. Vì vậy, người bán đang nâng giá để buộc người mua phải trả thay mình số chênh lệch đó. Thị trường nhà đất bị những người đầu cơ kiểm soát khá nhiều nên họ thao túng đẩy giá cả lên", ông Hoàng Sơn, giám đốc công ty Hùng Sơn nhận định.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại đánh giá, việc đều chỉnh khung giá đất sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến thị trường. "Giá thực tế đã chênh lệch quá lớn với quy định. Không thể có chuyện giá nhà đất tăng mạnh vì nếu như vậy thị trường sẽ đóng băng do nhu cầu của người bán và người mua không thể gặp nhau ở một điểm", phụ trách trung tâm ACB nhận định.
Khảo sát của Trung tâm Bất động sản ACB cho thấy, giá thực tế tại các đường phố Hà Nội hiện cao gấp nhiều lần so với quy định của Nhà nước. Cụ thể, giá đất rao tại Hàng Đào vị trí 1 khoảng 120 triệu đồng/m2, khung giá quy định là 9,8 triệu đồng; đất Ngõ Huế vị trí 1 bán 70 triệu đồng/m2, khung giá quy định xấp xỉ 5 triệu đồng. Khu vực ngoại thành cũng có sự chênh lệch rất lớn giữa giá đất chuyển nhượng với giá do Nhà nước quy định.
Ông Ngô Trí Long, Viện phó Viện Khoa học giá cả Bộ Tài chính, cho rằng, thị trường nhà đất đang phản ánh giá trị ảo. Nếu người mua không chấp nhận và ngừng giao dịch với mức giá do các chủ đầu cơ rao bán, thì tất yếu sau một thời gian bất động sản đó sẽ xuống giá.
Các nhà quản lý đất đai Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cũng khuyến cáo người dân cần bình tĩnh tránh sự lợi dụng của cò mồi, tư nhân đầu cơ đất. Bởi với một loạt dự án thành phố sắp triển khai, giá đất sẽ "dịu" xuống.
Dự thảo khung giá đất đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến quy định, giá đất mới thuộc đô thị loại đặc biệt tối đa là 54 triệu đồng/m2, tối thiểu là 2 triệu đồng/m2. Đối với các đô thị loại 1, mức giá áp dụng sẽ dao động từ 1 đến 21 triệu đồng/m2, đô thị loại 2 có giá 15-0,8 triệu đồng/m2...
Theo một quan chức Cục Công sản Bộ Tài chính, tăng khung quy định giá đất là để dần tiếp cận được với thị trường, xóa khoảng cách chênh lệch như hiện nay, đồng thời bổ sung nguồn thu ngân sách (hiện trung bình mỗi năm được 4.500 tỷ đồng). Tuy nhiên, ông này cũng lưu ý rằng biên độ giá rộng sẽ gây khó khăn cho việc quản lý, đồng thời nhà nước sẽ phải chi phí lớn khi thu hồi đất.
Trong khi đó, chủ một số dự án lo ngại khung giá mới cao hơn khung cũ nên việc thoả thuận đền bù giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn. Ông Nguyễn Văn Kiên, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và xây dựng nhà Hà Nội cho rằng, dù có tăng giá đất lên gấp 6-7 lần so với hiện nay, khung giá mới cũng chỉ bằng 30% so với thị trường nên tính giá đền bù giải tỏa vẫn tùy thuộc vào hệ số điều chỉnh (hệ số K). Người dân biết khung giá mới sẽ đòi hỏi cao hơn khiến các nhà đầu tư lại cất công giải thích, thuyết phục "dài dài".
Khá nhiều chủ đầu tư đã bán đất cho khách hàng trên giấy theo phương thức huy động vốn (khi chưa đền bù giải toả hoặc xây dựng hạ tầng) đang lo rằng, khó khăn trong đền bù giải toả khiến họ không thể giao đất cho người mua đúng thời hạn ghi trên hợp đồng.
Phong Lan
Độc giả có thể tham gia ý kiến về vấn đề này tại đây: