Thứ ba, 24/12/2024
Chủ nhật, 11/8/2019, 02:08 (GMT+7)

Khung cảnh vừa lạ vừa quen ở miền biên ải Chi Lăng

Bên cạnh di tích Ải Chi Lăng nổi tiếng, du khách có thể thăm thung lũng ngựa và các vườn na đang vào mùa thu hoạch ở Lạng Sơn.

Lũy Ải Chi Lăng (thuộc khu di tích Chi Lăng) được cấu thành từ một thung lũng hẹp, giữa hai dãy núi Bảo Đài ở phía đông và dãy Cai Kinh dựng đứng ở phía tây. Dọc thung lũng là sông Thương chảy ngoằn ngoèo. Luỹ ải từng được coi như bức tường thành vững chắc từ xa bảo vệ đất nước trước các cuộc xâm lăng từ phương bắc. Vua Lê Đại Hành (941-1005) đã nhận xét nơi này khiến “Giặc vào như bè xuôi thác, giặc ra như cá mắc hom”.

Từ Hà Nội, du khách có thể đi theo quốc lộ 1A để đến di tích Ải Chi Lăng. Khu vực này trải dài khoảng 20 km, các điểm tham quan tập trung chủ yếu tại xã Chi Lăng và xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn.

Hồ Bãi Hào thuộc lòng chảo Chi Lăng, bao quanh bởi đồi núi nhấp nhô. Hiện dự án đền thờ Chi Lăng được triển khai tại địa điểm hồ Bãi Hào, thuộc khu di tích Chi Lăng. Mục tiêu của dự án này là xây dựng quần thể kiến trúc văn hóa tâm linh, nhằm thể hiện giá trị lịch sử của địa danh Chi Lăng.

Con đường chạy qua Đèo Bén dài hơn một km, mang hình dáng uốn lượn nối thị trấn Đồng Mỏ với các xã vùng núi của huyện Chi Lăng.

Đoàn tàu chạy qua cầu Bắc Thủy, huyện Chi Lăng, thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng. Bên cạnh đó, nhà ga xe lửa Bắc Thủy còn là điểm nối với các ga Đồng Mỏ, Bản Thí ở huyện Chi Lăng.

Mảng rừng bạch đàn nhìn từ trên cao, thuộc địa phận thôn Nà Lặp, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng.

Bức tranh thiên nhiên của những thửa ruộng chín vàng, nằm nép mình bên nhà văn hóa thôn thuộc xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng.

Cách trung tâm huyện Chi Lăng gần 30 km, điểm đến tiếp theo được nhiều du khách ưa thích sau khi tham quan Ải Chi Lăng là đồi Khau Sao (Khau Slao), thuộc thôn Suối Mạ A, xã Hữu Kiên. Địa danh này được nhiều người ví như “Mẫu Sơn thứ hai”, “thảo nguyên xanh của Lạng Sơn".
Ngọn đồi có độ cao 760 m so với mực nước biển, rộng hơn 144 ha, có địa hình gồ ghề và khá khó đi. Nơi này được người dân địa phương dùng để chăn thả gia súc như ngựa, trâu, bò. Hiện có hơn 1.700 con ngựa tại đồi, trong đó gần 700 con ngựa bạch thuần chủng.

"Vũ điệu đồng cỏ" của những con ngựa trên đồi Khau Sao. Người Tày và Nùng nơi đây sinh sống chủ yếu nhờ chăn nuôi ngựa. Ngọn đồi có nguồn cỏ dồi dào cùng nguồn nước trong, khí hậu thoáng mát nên loài ngựa bạch sinh sôi nhanh.
Ngựa được chăn thả hoàn toàn tự nhiên mà không tốn công chăm sóc. Sáng người dân lên thả ngựa, chiều dắt về nơi uống nước và buộc chúng vào khu riêng của từng gia đình để tiện theo dõi tình trạng sức khỏe.

Nói đến Chi Lăng không thể bỏ qua đặc sản na, gồm hai loại là na bở và na dai. Cây na được trồng ở khắp Chi Lăng, nhiều và rộ nhất là đoạn dọc theo quốc lộ 1A trải dài tới Hữu Lũng.

Một trong những nơi trồng na nổi tiếng Chi Lăng là núi đá Đồng Bành, nằm ở độ cao khoảng 200 m. Những giỏ na sau khi thu hoạch được vận chuyển bằng ròng rọc từ trên cao xuống chân núi. “Hai sọt na được chuyển xuống, dây cáp lại kéo hai sọt rỗng lên. Cứ thế những quả na được vận chuyển nhanh chóng và an toàn”, nhiếp ảnh gia Bùi Vinh Thuận (Lạng Sơn), người vừa có chuyến đi chụp ảnh mùa thu hoạch na kể lại.

Sau đó, na được vận chuyển qua cầu gỗ đem đi tiêu thụ tại chợ na Đồng Bành (nằm cạnh quốc lộ 1A), phần còn lại thương lái thu mua chuyển đi các tỉnh thành khác như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM...
11/8, ngày hội na Chi Lăng lần thứ 3 diễn ra tại Trung tâm giới thiệu nông sản huyện, với các hoạt động quảng bá sản phẩm, chia sẻ cách trồng và các hội thi.

Huỳnh Phương

Ảnh: Bùi Vinh Thuận

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net