Trong cuộc điện đàm ngày 18/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tập trung thảo luận về đề xuất ngừng các cuộc tập kích hạ tầng năng lượng trong xung đột Ukraine, viện trợ quân sự của Washington dành cho Kiev và các cuộc đàm phán hòa bình.
Nhưng theo Điện Kremlin, ông Putin cũng nhắc đến một chủ đề mà ông yêu thích, bộ môn thể thao khúc côn cầu trên băng, nêu khả năng tổ chức trận đấu giao hữu giữa cầu thủ Mỹ và Nga.
"Chúng tôi đã thấy những nỗ lực của Nga nhằm cải thiện quan hệ với Tổng thống Trump và ngược lại. Ông Putin là người rất hâm mộ khúc côn cầu", Gary Smith, cựu nhà ngoại giao Canada kiêm tác giả cuốn sách Ngoại giao khúc côn cầu trên băng, nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại trận đấu khúc côn cầu trên băng ở Sochi năm 2020. Ảnh: AFP
Cuốn sách của Smith đề cập tới loạt trận đấu khúc côn cầu giữa Canada và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh năm 1972, vốn được xem là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Canada thế kỷ 20. Từng là nhà ngoại giao làm việc tại Moskva năm 1972, Smith đóng vai trò trung tâm cho nỗ lực tổ chức những trận giao hữu khúc côn cầu, giúp xây dựng quan hệ giữa Liên Xô và Canada.
"Ưu điểm của thể thao là có thể tác động đến mọi tầng lớp xã hội, vì có rất nhiều người quan tâm. Do đó, bạn có cơ hội truyền tải thông điệp văn hóa và giúp phá vỡ những định kiến", ông nói.
Giới quan sát cho rằng lãnh đạo Nga có thể sử dụng ngoại giao khúc côn cầu như một phương thức giúp chấm dứt tình trạng bị cô lập của đất nước cả về mặt chính trị và ngoại giao, biến sân băng thành nơi hâm nóng quan hệ với Mỹ.
"Mục tiêu của ông Putin là thoát khỏi thế bị cô lập về ngoại giao", Smith nói, thêm rằng đề nghị tổ chức giao hữu khúc côn cầu của Tổng thống Nga là "bước đi thông minh".
Sau khi phát động chiến dịch ở Ukraine tháng 2/2022, Nga đã bị phương Tây cô lập về mọi mặt. Mỹ dưới thời chính quyền tổng thống Joe Biden dẫn đầu liên minh phương Tây áp đặt nhiều lệnh trừng phạt mạnh tay với Nga. Nhiều sự kiện thể thao quốc tế đã cấm các vận động viên đến từ Nga và Belarus, đồng minh của Moskva, tham dự.
Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, ông Trump đã vài lần điện đàm với ông Putin và đưa ra một số nhượng bộ nhằm thúc đẩy nỗ lực chấm dứt xung đột Ukraine. Giới quan sát cho rằng Điện Kremlin nhìn thấy ở chính quyền ông Trump cơ hội để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, cũng như đạt kết quả thuận lợi trong đàm phán ngừng bắn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp ở thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản tháng 6/2019. Ảnh: AFP
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc điện đàm, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Trump "ủng hộ" ý tưởng của ông Putin về tổ chức giao hữu khúc côn cầu giữa hai nước tại Giải đấu khúc côn cầu quốc gia (NHL) ở Mỹ và Giải khúc côn cầu lục địa của Nga (KHL). Điện Kremlin thêm rằng giống như chuỗi trận đấu năm 1972, sự kiện lần này được tổ chức ở cả hai quốc gia.
Giới quan sát chỉ ra trong suốt chiều dài lịch sử, thể thao và ngoại giao luôn có thể song hành với nhau. Họ viện dẫn ngoại giao bóng bàn từng giúp mở đường cho chuyến thăm Bắc Kinh của tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972.
"Việc thảo luận về khúc côn cầu là chiến lược khôn ngoan của ông Putin. Thể thao giúp giảm nhiệt chính trị và bình thường hóa quan hệ giữa các đối thủ", Lawrence Martin, người viết nhiều cuốn sách về chính trị thời kỳ Liên Xô, nói.
Tổng thống Putin có thể hy vọng những trận đấu này sẽ giúp "làm dịu thái độ thù địch lâu nay của Mỹ với Nga", cũng như góp phần vào quá trình phá băng quan hệ và tạo cảm giác bạn bè, đối tác giữa người dân hai nước, theo Roy MacSkimming, tác giả sách Chiến tranh Lạnh: Giải khúc côn cầu tuyệt vời Canada - Liên Xô năm 1972.
Mark Galeotti, chuyên gia về Tổng thống Putin kiêm người đứng đầu công ty tư vấn Mayak Intelligence của Anh, nhận xét đề xuất của ông Putin như là "lời nhắc nhở rằng điều mà Điện Kremlin mong muốn không chỉ là giải quyết xung đột Ukraine, mà còn là bình thường hóa quan hệ với Mỹ".
Các chuyên gia cho hay mục tiêu của Nga không chỉ là gỡ lệnh trừng phạt trong quan hệ với Mỹ. Ông Putin thực sự muốn chấm dứt lệnh cấm vận động viên Nga tham gia các giải đấu thể thao lớn, lần đầu được áp dụng năm 2019 vì cáo buộc doping và sau đó là năm 2022 vì xung đột Ukraine.
Ông Putin, lãnh đạo 72 tuổi tự nhận mình là người có lối sống lành mạnh và năng động, từng nói trong một trận đấu năm 2019 rằng "khúc côn cầu trên băng mang mọi người lại gần nhau và giúp xây dựng các mối quan hệ tin cậy", khi được hỏi về khả năng thực hiện "ngoại giao khúc côn cầu".
Tổng thống Putin thi đấu khúc côn cầu trên băng tại Quảng trường Đỏ tối 25/12/2019. Video: X/Scott Rose
Tuy nhiên, mục tiêu của ông Putin có thể đạt được hay không sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Trên hết, các trận đấu giao hữu khúc côn cầu phải thực sự diễn ra giữa đội Nga và Mỹ. Smith đánh giá khả năng lời đề nghị này được hiện thực là 50-50, phụ thuộc vào diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine.
"Xung đột Ukraine càng kéo dài, khả năng trận đấu diễn ra càng thấp", ông nói.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt tuần trước xác nhận khúc côn cầu đã được đề cập trong điện đàm giữa hai lãnh đạo, nhưng nhấn mạnh "chúng tôi quan tâm hơn đến việc đảm bảo thỏa thuận hòa bình hơn là lên lịch các trận đấu ngay lúc này".
Thùy Lâm (Theo AFP, NBC News)