Để chuẩn bị cho việc đăng cai SEA Games 2003, tháng 7/2000, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đầu tư dự án xây dựng Sân vận động trung tâm thuộc Khu Liên hợp thể thao quốc gia (Mỹ Đình, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) với mức phí là 996 tỷ đồng (tương đương 69 triệu USD) bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Sân vận động có 40.000 chỗ ngồi là công trình trọng điểm trước mắt và cấp thiết để Việt Nam tổ chức SEA Games 2003.
Sai phạm của Ủy ban TDTT
Mô hình của nhà thầu Phillip Holzmann. |
Ngày 31/1, Ủy ban TDTT đã ký quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu giai đoạn 1, chỉ ra hai nhà thầu được tham gia đấu thầu giai đoạn 2 là Philipp Holzmann (Đức) và HISG (Trung Quốc).
Các nhà thầu không được vào giai đoạn 2 đã phản đối bằng văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ nói về những sai phạm của chủ đầu tư trong việc xét thầu hai giai đoạn (giai đoạn 1: các nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu sơ bộ về kỹ thuật và phương án tài chính (chưa có giá) để bên mời thầu xem xét và thảo luận cụ thể với từng nhà thầu nhằm thống nhất về yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật để chuẩn bị nộp hồ sơ chính thức. Giai đoạn 2 nộp hồ sơ chính thức với đề xuất kỹ thuật hoàn chỉnh và đề xuất chi tiết về tài chính), nghĩa là theo quy định không có quyền loại đơn vị đấu thầu ngay từ giai đoạn 1. Ủy ban TDTT vội vã hủy quyết định đã nêu trên và tiếp tục mời 4 nhà thầu tham gia giai đoạn 2.
Sửa sai rồi lại tiếp tục sai, Ban quản lý dự án đã gửi hồ sơ mời thầu giai đoạn 2 cho hai nhà thầu Philipp Holzmann (Đức) và HISG (Trung Quốc) từ ngày 2/2 và yêu cầu họ hoàn trả hồ sơ trước 14h ngày 14/2. Và đến 15h ngày 14/2, Ban quản lý này mới đi phát bộ hồ sơ mời thầu cho 4 nhà thầu tham gia giai đoạn 2 (nhưng thực chất vẫn như cũ mà Philipp Holzmann và HISG đã có và nộp lại). Như vậy là hai nhà thầu trước được tạo điều kiện thuận lợi hơn. Kết quả là Philipp Holzmann được đánh giá cao nhất. Tổ chuyên gia kết luận chỉ có Philipp Holzmann là đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật để được xem xét bước 2 (đánh giá về giá).
Nhà thầu nào cũng có vấn đề
Mô hình của nhà thầu Bouygues. |
Căn cứ vào biên bản đánh giá trên, ngày 13/4, ông Hà Quang Dự, lúc còn là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT, đã gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, phê duyệt kết quả trúng thầu chính là giá chào thầu đưa ra. Ở văn bản này, ông Dự báo cáo: "Kết quả trúng thầu mà Ủy ban TDTT đưa ra là kết quả thống nhất cuộc họp với đại diện các bộ, ngành liên quan...".
Nhưng văn bản của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá trình lên Chính phủ ngày 3/5 báo cáo kết quả đấu thầu gói thầu sân vận động trung tâm đã chỉ ra những sai phạm của Ủy ban TDTT trong cả hai quá trình xét thầu như sau: "Theo báo cáo thẩm định (ngay từ giai đoạn sơ tuyển), nhà thầu HISG (Trung Quốc) đã không đủ tiêu chuẩn về kinh nghiệm nhà thầu, nhà thầu Philipp Holzmann không đủ điểm tối thiểu về kinh nghiệm nhà thầu và có tình hình tài chính không lành mạnh (kinh doanh thua lỗ)... Việc Ủy ban TDTT đề nghị cho Philipp Holzmann trúng thầu đáng lẽ phải loại ngay từ khâu sơ tuyển theo kết quả đánh giá là không tuân thủ tiêu chuẩn đánh giá đã duyệt, vi phạm quy định của quy chế đấu thầu". Theo quy định, trong trường hợp này, Ủy ban TDTT phải trình xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nhưng Ủy ban đã không làm.
Đến giai đoạn 2, vẫn theo đánh giá của Bộ trưởng Trần Xuân Giá, Ủy ban TDTT đã đánh giá sai lệch phần kỹ thuật các nhà thầu khi đánh giá cao nhất thiết kế của gói thầu và đưa ra yêu cầu hồ sơ dự thầu phải đạt 75% tổng số điểm trở lên, nhưng những tiêu chí đánh giá lại không phù hợp. Họ làm ngược lại nội dung được đặc biệt lưu ý trong quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, bỏ qua năng lực tài chính của nhà thầu và được chấm lại kinh nghiệm, năng lực nhà thầu được công khai đánh giá từ giai đoạn sơ tuyển. Ông Giá chứng minh rằng, không có cơ sở trao hợp đồng cho nhà thầu Philipp Holzmann một khi nhà thầu này được trúng vì Philipp Holzmann chỉ đưa ra bản sao một lá thư (không công chứng, không rõ trọng trách người ký) của Deutsche Bank xác nhận nhà thầu này có một khoản tín dụng chưa sử dụng trị giá 15 triệu USD.
Bất ngờ giờ chót
Ông Giá trình lên Chính phủ phương án: Phúc tra lại toàn bộ kết quả đánh giá hồ sơ của 4 nhà dự thầu để đảm bảo tính công bằng, giao cho Bộ Xây dựng huy động chuyên gia đủ trình độ tiến hành thẩm định kết quả đánh giá kỹ thuật để trình lên Thủ tướng Chính phủ sau 10 ngày, hoặc xác minh chính xác về khả năng tài chính của Philipp Holzmann, nếu được thì trao thầu.
Sự việc bất ngờ chuyển hướng khi một tổ chuyên gia liên ngành gồm 8 người do ông Nguyễn Việt Hùng, Chánh văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng, đã tiến hành phúc tra, đánh giá lại hồ sơ dự thầu của Philipp Holzmann, HISG và Bouygues để trình lên 3 bộ trưởng báo cáo lên Chính phủ. Theo ý kiến của tổ chuyên gia này, đây là gói thầu trọn gói nên việc xem xét, đánh giá về từng lĩnh vực trong gói thầu chỉ có tính tương đối, đánh giá về tài chính, thương mại cũng không thể so sánh được vì mỗi nhà chào thầu có thiết kế, xây lắp khác nhau. Tuy nhiên, tổ chuyên gia này vẫn tính toán giá dự thầu theo 7 tiêu chí và xếp loại và HISG đã đứng đầu, nhưng vẫn ghi rõ: "Tổ chuyên gia không có đủ căn cứ và số liệu chuẩn xác do đó có nhiều điểm chưa đầy đủ cơ sở tin cậy, vì vậy hết sức coi đây là để tham khảo, tránh sự hiểu lầm". Điều này tiếp tục được nhắc lại trong bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ của nhóm 3 bộ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Ủy ban TDTT) nhưng chỉ dựa vào những kết quả tương đối này, đại diện 3 bộ đã thống nhất xếp hạng các nhà thầu theo giá đề nghị trúng thầu nêu trên. Tiếp đó nhóm 3 bộ đề nghị Thủ tướng căn cứ vào kết quả trên quyết định chọn nhà thầu bỏ giá thấp nhất: HISG đã trúng thầu.
Chớ để tiền mất tật mang
Hiện nay, HISG và nhà đầu tư đang thương thảo, nhưng theo các nhà tư vấn, một phương án đã được duyệt thì cơ bản là không được thay đổi. Thông thường, sự thương thảo chỉ tập trung vào những việc ít quan trọng như những chi tiết về giao thông, vệ sinh... chứ không ai thương thảo để đổi thiết kế. Vả lại, nếu chủ đầu tư yêu cầu thay đổi thiết kế thì giá trị công trình có còn ở mức giá dự thầu nữa hay không? Giả thiết giá "đội" lên cao, lúc đó nhà dự thầu sẽ lập luận, giá tăng không thuộc trách nhiệm của nhà thầu mà của chủ đầu tư và chủ đầu tư là người yêu cầu sửa đổi.
(Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, 14/6)