Thứ ba, 7/1/2025
Chủ nhật, 16/5/2021, 00:02 (GMT+7)

Khu xạ trị ung thư hiện đại nhất Việt Nam

TP HCMKhu xạ trị khép kín tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 diện tích hơn 1.000 m2, trang bị hệ thống máy xạ trị hiện đại nhất cả nước.

Khu xạ trị trong ngày tại Bệnh viện Ung bướu, cơ sở 2 (quận 9, TP Thủ Đức) vận hành từ ngày 10/5.

Theo thiết kế, khu xạ được đặt ở tầng hầm một rộng hơn 1.000 m2. Toàn khu có hai hệ thống CT mô phỏng, 6 hệ thống xạ trị gia tốc, hai hệ thống xạ trị áp sát và 9 phòng khám ngoại trú. Đây là khu tích hợp mô phỏng, lập kế hoạch điều trị, xạ trị ngoài, xạ trị áp sát và khám bệnh ngoại trú, tạo thành quy trình điều trị xạ trị trong ngày khép kín.

Bà Nguyễn Thị Vui (bìa trái), 47 tuổi và bà Đặng Thị Dấm, 67 tuổi cùng quê Đồng Nai, đang đọc tờ hướng dẫn những tác dụng phụ không mong muốn và các vấn đề cần lưu ý đối với bệnh nhân ung thư vú, trước khi xạ liều đầu tiên.

Do mới bắt đầu tiếp nhận và sử dụng các hệ thống xạ trị trên bệnh nhân, hiện bệnh viện chỉ chuyển 6 bệnh nhân mỗi ngày lên cơ sở 2. Tại cơ sở mới này, tất cả bệnh nhân xạ trị đều được chụp cắt lớp (CT) mô phỏng và được xạ trị cùng trong một ngày. Trong khi đó, tại cơ sở 1, người bệnh sau khi làm CT mô phỏng thì phải chờ trung bình hai tuần để được xạ trị.

Người bệnh ngồi trò chuyện trong phòng chờ đã bật sẵn điều hoà nhiệt độ, có wifi miễn phí, đợi đến lượt điều dưỡng gọi tên vào phòng xạ.

Bác sĩ Lê Anh Tuấn, phó giám đốc bệnh viện cho biết, xạ trị là một quá trình bao gồm nhiều lần xạ (phân liều). Tùy loại bệnh lý sẽ có những phác đồ, kỹ thuật, liều và thời gian xạ thích hợp. Thông thường mỗi bệnh nhân xạ trị phải được thực hiện từ 20-30 phân liều, mỗi ngày một phân liều.

Thời gian mỗi lần xạ trị khoảng 10-60 phút, tuỳ mức độ kỹ thuật tiêu chuẩn hay phức tạp. Do đó, bệnh nhân không nhất thiết phải ở lại bệnh viện. Đa số họ lựa chọn về nhà nghỉ ngơi ngay sau khi xạ trị. Điều này giúp giảm quá tải khu vực điều trị nội trú, giảm quá tải cho bệnh viện, giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân, giảm gánh nặng chăm sóc tại bệnh viện cho nhân viên và người nhà…

Với những trường hợp có chỉ định xạ trị từ khoa điều trị, họ sẽ được đưa đến khu xạ trị để thực hiện quy trình bốn bước cơ bản, gồm CT mô phỏng, lập kế hoạch xạ trị, thông qua kế hoạch và cài đặt dữ liệu lên máy xạ trị, và tiến hành xạ trị trên cơ thể.

Trong ảnh là một bệnh nhân ung thư vú đang chụp cắt lớp (CT) 16 lớp mô phỏng. Nhân viên y tế hướng dẫn và điều chỉnh bệnh nhân nằm đúng tư thế. Tư thế này được chụp lại, dựng thành hình ảnh 3D, 4D hoặc cao cấp hơn, để đối chiếu tư thế nằm chuẩn trong suốt quá trình xạ trị.

Mỗi bệnh nhân được làm CT mô phỏng một lần, cần khoảng 15-30 phút, trước khi tiến hành xạ trị. Ê kíp bác sĩ xạ trị, vận hành viên máy xạ và kỹ sư vật lý y khoa sẽ là những người theo sát bệnh nhân cho đến khi họ kết thúc phác đồ.

Sau khi CT mô phỏng xong, dữ liệu được chuyển đến phòng lập kế hoạch xạ trị. Các kỹ sư vật lý y khoa và bác sĩ phối hợp vẽ định vị các thể tích xạ trị và cơ quan lành, tính toán các thông số trường chiếu xạ, liều lượng, che chắn,... để có được một kế hoạch xạ trị tối ưu, cá nhân hóa cho từng người bệnh.

Kế hoạch xạ trị được thông qua, dữ liệu được chuyển đến máy xạ. Các kế hoạch này sẽ được kiểm tra, đo đạc trực tiếp trên máy để đảm bảo chất lượng điều trị (liều phát thực tế trên máy phải đúng như liều đã lập trên phần mềm). Nếu tất cả đã đạt yêu cầu, bệnh nhân sẽ được tiến hành điều trị trên máy xạ.

Vận hành viên máy xạ phẫu TrueBeam 2.7 lắp đặt tấm lưới cố định đầu - cổ - vai cho một bệnh nhân ung thư vòm hầu, đúng theo mô phỏng ban đầu.

Đây là TrueBeam 2.7 - hệ thống máy gia tốc xạ phẫu tiên tiến nhất thị trường y tế hiện nay, được xem là dòng “siêu xạ phẫu”. Hệ thống máy này có thể xạ trị cho mọi loại ung thư, ở tất cả các vị trí của cơ thể với các kỹ thuật xạ trị tiên tiến nhất.

Một điểm nội trội của TrueBeam 2.7 là có thể tự động xoay vòng quanh bệnh nhân để chiếu tia xạ theo đúng kế hoạch đã được lập trình. Máy được tích hợp cả hệ thống CT scan, X quang và giám sát chuyển động giúp kiểm soát tốt được các sai lệch có thể xảy ra trong quá trình điều trị, đảm bảo kế hoạch điều trị được thực hiện một cách chính xác nhất. Các vận hành viên không phải vào phòng xạ trong quá trình chiếu tia để thay đổi vị trí cho người bệnh, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm xạ.

Các nhân viên đang chuẩn bị trước xạ cho một nữ bệnh nhân ung thư vú 47 tuổi, trên hệ thống máy Elekta.

Hiện, cả hai cơ sở của bệnh viện có 13 máy xạ trị gia tốc. Trong đó, 7 máy tại cơ sở 1 đã hoạt động quá tải hàng chục năm qua. Mỗi ngày khu xạ cơ sở 1 tiếp nhận trung bình 650-700 bệnh nhân, nhân viên y tế chia ca làm việc 16-18h. Mặc dù đã làm vượt công suất nhưng luôn có 300-400 bệnh nhân khác chờ xạ.

Ban Giám đốc bệnh viện cho biết, khi 6 máy tại cơ sở 2 vận hành ổn, có thể xạ 240-400 lượt mỗi ngày. Như vậy, cơ sở 2 có khả năng giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải về xạ trị cho cơ sở 1.

Nhân sự vận hành khu xạ trị được bệnh viện chuẩn bị từ nhiều năm qua. Đội ngũ các bác sĩ xạ trị, vận hành viên, kỹ sư vật lý y khoa được đào tạo bài bản trong và ngoài nước. Họ đang làm việc thuần thục tại cơ sở 1.

Tương lai đây sẽ là nơi làm việc của trên 40 bác sĩ xạ trị, 40 vận hành viên, 20 kỹ sư vật lý của bệnh viện và là cơ sở chính của Bệnh viện Ung bướu.

Dự kiến, từ ngày 19/5, người bệnh ngoại trú của khối nội sẽ được chuyển từ cơ sở 1 về cơ sở 2 để tiếp tục điều trị và hóa trị trong ngày. Với thiết kế 100 giường, khu hóa trị ban ngày của cơ sở 2 có khả năng tiếp nhận 300 lượt bệnh nhân mỗi ngày, sẽ giúp giảm tải 70 - 80% lượt hóa trị ban ngày cho cơ sở 1.

Cùng ngày, bệnh viện sẽ bắt đầu triển khai hẹn các bệnh nhân đang theo dõi sau khi kết thúc hóa trị, xạ trị tại cơ sở 1 chuyển sang tái khám tại cơ sở 2.

Bệnh viện Ung bướu là bệnh viện chuyên khoa hạng I, làm nhiệm vụ khám chữa bệnh chuyên ngành ung bướu. Bệnh viện được Bộ Y tế phân công chỉ đạo tuyến, phụ trách các tỉnh thành phía Nam. Hàng năm bệnh viện quản lý trên 20.000 hồ sơ bệnh nhân ung thư.

Bài: Thư Anh
Ảnh: Quỳnh Trần