Thứ ba, 7/1/2025
Thứ ba, 27/4/2021, 05:03 (GMT+7)

Bệnh viện ung thư hiện đại nhất miền Nam vắng vẻ

TP HCMBệnh viện Ung bướu TP HCM cơ sở 2 công suất điều trị 4.000-5.000 bệnh nhân, song hiện mỗi ngày chỉ khoảng 80 người đến khám chữa bệnh.

Từ tháng 10/2020, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cơ sở 2 (phường Tân Phú, TP Thủ Đức) bắt đầu tiếp nhận người đến khám chữa bệnh. Bệnh viện quy mô 1.000 giường cùng nhiều máy móc hiện đại, mục tiêu trở thành trung tâm điều trị ung thư hiện đại ở miền Nam.

Sau hơn nửa năm hoạt động, nơi đây vẫn khá vắng vẻ. Sáng 26/4, tại khu vực đăng ký khám ở lối vào thưa thớt người. Khoảng 3 bảo vệ luôn túc trực ở đây để hướng dẫn người dân khai báo y tế, lấy số, đăng ký khám, chỉ dẫn phòng khoa...

Khu vực quầy tiếp nhận với dãy ghế sức chứa khoảng 200 chỗ ngồi thưa thớt.

Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu cho biết, cơ sở 2 trung bình hàng ngày có 80 bệnh nhân đến khám, chưa triển khai nội trú. Trong khi đó, cơ sở này có thiết kế, vật chất và trang thiết bị đủ đáp ứng 4.000-5.000 bệnh nhân đến khám.

Ngồi một mình giữa dãy ghế trống ở quầy tiếp nhận, bà Phan Thị Dung, TP Thủ Đức, chờ khám. "Nhà gần bệnh viện nên tôi tới đây khám luôn. Trước giờ tôi cứ nghĩ chỗ này đông đúc lắm nên đi sớm nào ngờ vắng hoe, chỉ chờ có chút xíu là tên mình được gọi rồi", người phụ nữ 52 tuổi cho biết.

Một số khoa, phòng đã hoàn thiện cơ sở vật chất nhưng thưa thớt người đến khám bệnh. Tại khoa xét nghiệm, nhiều thời điểm trên màn hình thông báo chỉ có một vài bệnh nhân chờ gọi tên.

Phòng xét nghiệm với bốn bàn lấy mẫu cùng dãy ghế cho hàng chục người chờ, chỉ có một bác sĩ làm việc.

Hiện cơ sở 2 có 104 nhân viên làm việc bao gồm: 37 bác sĩ, 21 điều dưỡng và nhân viên các bộ phận khác. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực 1.350 người để làm việc tại đây khi cơ sở 2 được đưa vào hoạt động toàn bộ.

Khu vực siêu âm của Khoa siêu âm - nội soi là nơi đông bệnh nhân trong Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, hiện tại.

Tại khoa Y học Hạt nhân, bác sĩ Đỗ Duy Hoàng khám cho một bệnh nhân đến từ Đồng Nai.

Bác sĩ Hoàng cho biết trung bình mỗi ngày anh khám cho khoảng 50 bệnh nhân, đa phần TP Thủ Đức, Đồng Nai, Bình Dương... Họ tới khám lần đầu hoặc tái khám định kỳ sau khi đã điều trị lui bệnh tại cơ sở 1.

Quầy dịch vụ tài chính với các hàng rào cho người bệnh thanh toán viện phí lác đác một vài người.

Hiện Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 chưa triển khai khám nội trú. Hoạt động cũng chỉ giới hạn ở khối phòng khám tầng 1, tầng 2, khoa cấp cứu, nhà thuốc và một phần của các khoa xét nghiệm, giải phẫu bệnh, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh. Vì vậy một số khoa, phòng chưa hoạt động ở những tầng khác vắng vẻ.

Bệnh viện Ung bướu TP HCM cơ sở 2 xây dựng năm 2016, cách trung tâm thành phố hơn 20 km, được xây dựng trên khu đất rộng 5,6 ha. Tòa nhà gồm 10 tầng và hai hầm với tổng mức vốn đầu tư là 5.845 tỷ đồng.

Bác sĩ Lê Anh Tuấn cho biết, chủ đầu tư bàn giao các khu vực còn lại của cơ sở 2 chưa đúng tiến độ, làm ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai đồng bộ các hoạt động khám, chẩn đoán, điều trị của người bệnh tại đây qua đó cũng ảnh hưởng đến công tác giảm tải cho cơ sở 1.

Trong khi đó, tại cơ sở 1 (quận Bình Thạnh) luôn trong tình trạng quá tải, đông đúc bệnh nhân. Sáng 26/4, khu khám bệnh ở đây đông nghị người, bệnh nhân chờ hàng giờ để tớt lượt lấy thuốc.

"Với lượng bệnh nhân trung bình 4.000 lượt khám mỗi ngày tại cơ sở 1, thì lượng khám hiện nay ở cơ sở 2 vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng giảm tải", Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu cho biết.

Quỳnh Trần - Thư Anh