Ngày ấy, khu vườn của bà không rộng nhưng gần như cây gì cũng có, từ những cây cam, quýt, xoài, nhãn, mít, mận… cho đến cây sabô, cây trứng gà đều có cả. Và khu vườn này đã trở thành niềm tự hào của lũ con cháu chúng tôi. Tuy nhiều cây nhưng bà nhớ rõ tiểu sử từng cây một. Nhìn cây hồng cổ thụ, bà lại nhớ về ông, nhớ về cái thuở mới về làm dâu. Bà bảo “Sau khi cưới nhau, ông cháu nói trồng cây này để… có gì còn nhớ đến nhau” (bà cũng tên Hồng). Đến mùa xoài, bà lại nhắc chúng tôi về chú Bình - người đã đi xa sau một tai nạn. Bà nói cây này do chú mày trồng nên ngày chú đi xa, bà đã cột một vành khăn dưới gốc xoài. Mà lạ lắm, năm ấy cây xoài lại sai quả, các cành cây đều trĩu nặng. Bà nói đùa “Có lẽ chú biết bà cháu mình thích ăn chua nên trả ơn bà cháu mình đó”.
Mỗi cây là một kỷ niệm, một “phận đời”, nhưng có lẽ ấn tượng nhất là cây sầu riêng. Bà nói rằng, ngày đó quê mình chưa ai có cây này cả. Sau một lần đi buôn chuyến, bà đã nhặt được một hạt - mà nghe mấy người dân ở đó nói là hạt sầu riêng. Bà đem về gieo trồng và chăm bón. Nhưng lạ lắm, sau gần 10 năm mà chưa thấy cây ra hoa kết trái. Bà vẫn kiên nhẫn chờ đợi, nhưng ông và các cô chú thì góp ý nên đốn đi vì đó là cây đực, vừa không có trái lại vừa tốn đất. Bà thuyết phục mọi người ráng đợi thêm chút nữa… Và thế là gần 2 năm sau, cây sâu riêng của bà đã cho những trái đầu tiên. Cả làng xóm kéo đến với sự hiếu kỳ, vừa ăn, vừa thưởng thức mùi thơm sâu riêng và trầm trồ khen ngợi.
Thế rồi, khi chú út cưới vợ, theo quy ước, bố tôi là con trai cả nên phải dọn ra sống riêng tại một căn nhà khác. Tôi không biết bố mẹ buồn hay vui nhưng với tôi, việc chuyển đến căn nhà mới đồng nghĩa với việc phải xa rời khu vườn của bà. Đó cũng chính là một cực hình. Tuy đã chuyển đến địa điểm mới, nhưng tôi vẫn thường về “cố hương” mỗi dịp cuối tuần. Nơi đó, những ngày chủ nhật rảnh, bà đã kể cho chúng tôi những câu chuyện cổ tích. Câu chuyện nào cũng hay và thú vị cả. Sau mỗi câu chuyện, bà thường dừng lại ít phút để khuyên nhủ chúng tôi những bài học ở đời. Là con trai, nhưng mỗi khi nghe chuyện cổ tích, tôi thường sà vào lòng của bà để cảm nhận mùi trầu nồng ấm lan tỏa.
Tôi còn nhớ dưới những tán cây, bà cột vào đó mấy chiếc võng để chúng tôi có thêm chỗ vui chơi và nằm nghỉ. Do không gian tuyệt vời này mà nhiều hôm nóng bức, tôi thường tìm đến khu vườn của bà để ngâm nga học bài. Tôi nhớ không khí mát mẽ, thoáng đãng mà những bài học ở lớp dễ dàng học thuộc.
Có lẽ biết sở thích ăn uống của chúng tôi nên bà đã khéo léo chọn những giống cây khác nhau để quanh năm khu vườn của bà lúc nào cũng có trái chín. Có quà thì phải biết cách phân phát. Về khoản này, tôi phục bà số một. Tuy cháu nhiều, nhưng bà đã có “chính sách” để chúng tôi không phân bì nhau. Bà phân phát trái cây theo lực học của mỗi đứa, điểm 10 thì trái to và ngon nhất, điểm càng thấp thì chất lượng cũng càng bèo. Còn nhớ, có lần tôi bị điểm 5 môn toán nên phải nhận trái cam bé nhất, tôi rất ấm ức và quyết tâm “phục thù”. Quyết tâm này đã được tôi hiện thực hóa ngay ngày hôm sau với điểm 10 tròn trĩnh. Do đó, bố tôi hay nói đùa vườn của bà là vườn khuyến học.
Ngày bà đi xa, vườn cây buồn hiu, quạnh quẽ. Lũ chúng tôi ngơ ngác chưa hiểu gì nhiều nên sau đó mấy tuần còn kéo nhau về vườn để được nhận thưởng và được nghe bà kể chuyện cổ tích…
Sau đó ít lâu, vì lý do kinh tế, chú út đã cho đốn hết vườn cây để xây mấy dãy phòng trọ cho mướn. Tôi mừng vì chú đã có những cách làm kinh tế thức thời, nhưng vẫn hoài cổ về khu vườn xưa của bà - khu vườn khuyến học.
Đặng Quốc Minh Dương