Chủ nhật, 10/11/2024
Thứ năm, 14/4/2022, 05:00 (GMT+7)

Khu tái định cư hoang phế ở Tây Nguyên

Kon TumHơn 80 nhà tái định cư dự án thuỷ điện Đăk Đrinh, huyện Kon Plông, ảm đạm suốt 10 năm, nhiều căn không có người ở, cỏ mọc kín, thành nơi trú ngụ của dơi, chuột, bò...

Năm 2009, dự án thuỷ điện Đăk Đrinh khởi công, vùng lòng hồ nằm trên địa phận hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum. Riêng xã Đăk Nên, huyện Kon Plông có 192 hộ tái định cư, nhường đất cho thuỷ điện. Năm 2013, chủ đầu tư là Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam hoàn thành khu tái định cư thôn Vương - Xô Luông với 83 căn.

Tất cả làm bằng bêtông, cốt thép, được thiết kế cùng một kiểu: mái ngói, sàn gỗ, một nhà vệ sinh, một nhà tắm và một bồn nước inox. Chi phí mỗi căn 400-600 triệu đồng.

Khu tái định cư có ba cụm. Trong đó, hai cụm nằm ở trên núi cao, gió to, thiếu nước sinh hoạt. Ngay từ đầu, 11 hộ dân không chịu dời đến nơi ở mới. Ngoài ra người dân cho rằng, đất sản xuất được cấp cằn cỗi, bạc màu và ở xa khu dân cư.

Nhiều hộ đã chuyển tới sau đó thấy khu tái định cư không phù hợp đã quay về làng cũ. 10 năm, hai cụm này không có người ở, cây mọc cao bằng mái nhà; tường mọc rêu xanh, gỉ đen, ẩm ướt.

Cây mọc lan vào trong nhà và bịt kín lối đi. Nhiều căn trở thành điểm trú ngụ của trâu, bò. Một số căn trở thanh điểm tụ tập ăn nhậu của thanh niên trong làng.

Nhiều chủ nhà tái định cư đã dỡ sàn gỗ, mái ngói mang về sửa chữa căn nhà mình hoặc bán cho ai có nhu cầu.

Nhiều căn mái ngói sụt lún, hư hỏng nặng, cỏ mọc lút cả lối đi.

Mỗi căn có một nhà vệ sinh, nhà tắm và bồn nước inox. Nhiều căn bồn nước đã bị lấy đi.

A Sang (31 tuổi) là cư dân duy nhất sinh sống ở đây. Tuy nhiên, anh cho biết căn nhà này không phải của mình mà ở nhờ do chủ căn hộ bỏ đi.

Dãy nhà tái định cư ở dưới chân núi đến nay vẫn còn 35 hộ cư ngụ. Họ miễn cưỡng sống trong những khối bê tông vì "không còn lựa chọn".

Không có nước nên người dân tự mua ống dẫn nước từ các khe suối để sinh hoạt. Cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn vì thiếu đất sản xuất do bị thu hồi nhưng nhiều năm chủ đầu tư không cấp lại đất. Đền nay nhiều hộ vẫn chưa nhận đủ tiền đền bù. Hiện, chủ đầu tư đang nợ 33 tỷ đồng tiền đền bù cho người dân.

Không chịu dời vào khu tái định cư, hàng chục hộ dân dựng nhà sống và canh tác ở làng Xô Luông - mép lòng hồ thuỷ điện Đăk Đrinh.

Năm 2013, chị Y Sa (30 tuổi) chuyển lên khu tái định cư ở, song vì đất sản xuất bạc màu, cách xa khu dân cư, thiếu nước, nên vợ chồng người Ca Dong quyết định quay trở lại làng cũ dựng nhà sinh sống, khai hoang nương rẫy.

Bí thư huyện Kon Plông Đào Duy Khánh cho biết vấn đề bất cập ở khu tái định cư dự án thủy điện Đăk Đrinh tồn tại 10 năm qua. Tỉnh nhiều lần chỉ đạo huyện phối hợp các sở ngành liên quan kiến nghị ra Bộ Tài chính, Bộ Công thương để tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ những khó khăn nhưng chưa đi đến thống nhất.

Trần Hoá