Cạnh lòng hồ thuỷ điện Đăk Đrinh, có 14 nóc nhà sàn - nơi cư ngụ của nhiều gia đình người Ca Dong nghèo khó, nằm lẩn khuất dưới những tán cau. Họ sống chen chúc trong những căn nhà nhỏ xập xệ, tối tăm. Không ai ngờ, đây là "kết quả" của cuộc di cư để làm thuỷ điện gần một thập kỷ.
Chiều muộn đầu tháng tư, A Khố (32 tuổi) cùng vợ trở về nhà ở thôn Xô Luông, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông sau một ngày nhổ mì thuê. Người vợ trong bộ dạng lấm lem, chưa kịp tắm rửa đã vào bếp chuẩn bị cơm. Bữa tối của cả nhà hôm đó chỉ có nồi cơm và dĩa măng rừng.
Tiền công hai vợ chồng được 200.000 đồng một ngày, nhưng phải đợi thu hoạch hết vườn chủ mới thanh toán. Anh Khố tính nếu hôm nay về sớm sẽ ra hồ cạnh nhà kiếm con cá về kho cho hai đứa con ăn nhưng lại về muộn. "Đi làm thuê, họ cho mới được về", anh nói và tỏ ra tiếc nuối quá khứ đẹp đẽ của mình.
Hơn 10 năm trước, gia đình anh thuộc dạng "có điều kiện" trong làng. Khi đó đất đai rộng rãi, ngoài trồng lúa, anh Khố còn trồng thêm cau, mì và chăn nuôi. Năm 2009, dự án thuỷ điện Đăk Đrinh khởi công, gần 200 hộ dân xã Đăk Nên nằm ở vùng lòng hồ phải di dời đến các khu tái định cư.
"Chủ đầu tư hứa hẹn khi đến nơi ở mới dân làng sẽ có cuộc sống bằng hoặc cao hơn cũ", anh Khố kể. Hầu hết người dân ở làng tin và chấp nhận rời khỏi nơi "chôn nhau cắt rốn" để nhường đất cho thủy điện.
Gia đình anh Khố được đền bù tổng cộng 119 triệu đồng, gồm: 80 triệu đồng hoa màu, 30 triệu đồng đất và 9 triệu đồng hỗ trợ di dời. Nhận xong tiền, anh không dám tiêu pha mà để dành sắm sửa khi đến nơi cư trú mới. Năm 2013, khu tái định cư Vương - Xô Luông hoàn thành ở thượng nguồn sông Đăk Đrinh, cách làng cũ hơn 10 km. Người dân bắt đầu di dời đến nơi ở mới.
"Tôi không tin vào mắt mình khi được nhận căn nhà nằm trên núi cao", anh Khố nói và thầm ân hận vì quyết định sai lầm của bản thân. Không còn cách nào khác, anh miễn cưỡng ký nhận nhà. Riêng hai sào ruộng và một ha đất rẫy dành cho người tái định cư, đến bây giờ, sau gần 10 năm, anh vẫn không biết "khu đất ấy ở chỗ nào".
May mắn hơn nhiều hộ dân khác, ở làng cũ còn miếng đất của bố mẹ để lại (bên lòng hồ thuỷ điện Đăk Đrinh), vợ chồng anh Khố gom góp dựng được căn nhà sàn bằng gỗ để cư ngụ. Sau bao nhiêu năm, họ khai hoang được gần một sào lúa, 4 sào rẫy. Tất cả đều ở trên núi cao nhưng gần nhà và nguồn nước.
Vụ vừa qua, mất mùa, sâu bệnh, cả vườn mì của hai vợ chồng trẻ thu được 4-5 triệu đồng, không đủ trang trải cuộc sống và lo cho hai đứa con ăn học. Vì vậy, vợ chồng anh thường xuyên phải đi làm thuê, lúc thì nhổ mì, cắt cỏ, gặt lúa... thậm chí ra trung tâm huyện làm phụ hồ công trình.
Nhìn từ trên cao, 83 căn sàn nhà tái định cư Vương - Xô Luông, chia làm ba khu, được thiết kế cùng một kiểu. Tất cả bằng bê tông, mái ngói, sàn gỗ, một nhà vệ sinh, một nhà tắm và một bồn nước inox. Mỗi căn trị giá 400-600 triệu đồng.
Hiện, hai khu nhà nằm trên núi cao không người ở, cây cối um tùm. Tường bám rêu xanh, ẩm ướt; sàn cửa gỗ mục nát, xiêu vẹo. Phân bò, dơi, chuột vương vãi khắp nơi. Nhiều căn bị tháo dỡ mái ngói, sàn gỗ; bể nước khô cạn, nứt nẻ.
Khu tái định cư còn lại dưới chân núi bớt ảm đạm hơn nhờ có lũ trẻ chơi trước sân. Tuy nhiên bên trong những căn nhà này đều trống hoác, chỉ có vài đồ đạc sơ sài, hoặc làm nơi chứa nông sản. Cư dân sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ chủ yếu ở căn nhà sàn bằng gỗ họ tự dựng bên cạnh.
Từng là niềm hy vọng của nghìn người dân Ca Dong, nhưng ngay khi vừa xây xong, khu tái định cư lộ nhiều bất cập: nhà ở trên núi cao nên gió rất to, đất canh tác quá xa và nhất là không có nước sinh hoạt. Sau nhiều năm, đến nay chỉ còn 35 hộ bám trụ.
"Không còn chỗ nào để đi nên đành ở lại", anh A Tập (31 tuổi) nói. Giống như những cư dân trong làng, sau khi đất bị thu hồi để làm thủy điện, gia đình A Tập được cấp một căn nhà tái định cư, một ha đất rẫy và hai sào lúa nước. Tuy nhiên, đất rẫy cằn cỗi, sỏi đá, rất khó cải tạo trong khi vị trí các khu rẫy nằm cách xa nhau, đường đi lại khó khăn.
Còn hai sào lúa nước vẫn chưa thể canh tác vì chủ cũ không cho. Bởi chủ đầu tư lấy sản xuất của dân làng Tu Rét giao cho dân tái định cư nhưng đến nay vẫn chưa bồi thường xong. "Đây cũng là nguyên nhân khiến dân hai làng xảy ra tranh chấp", anh Tập nói. Sau khi chính quyền can thiệp, các hộ dân hai làng đã chấp thuận cùng canh tác trên một khu đất tranh chấp, một người làm một nửa.
Ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch UBND xã Đăk Nên, cho biết năm 2013 có 72 hộ nhận nhà, 11 hộ ở thôn Xô Luông không nhận nhà từ đầu khi di dời. Đến nay, 37 hộ đã rời khu tái định cư quay về làng cũ. Chủ đầu tư cũng chưa chi trả 33 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng và sửa chữa tuyến đường phục vụ người dân đi lại.
Theo Bí thư huyện Kon Plông Đào Duy Khánh, vấn đề bất cập ở khu tái định cư dự án thủy điện Đăk Đrinh tồn tại 10 năm qua. Tỉnh nhiều lần chỉ đạo huyện phối hợp các sở ngành liên quan kiến nghị ra Bộ Tài chính, Bộ Công thương để tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ những khó khăn nhưng chưa đi đến thống nhất.
"Từ nay cho đến cuối năm, huyện phối hợp đơn vị thủy điện kiến nghị Trung ương giải quyết việc đền bù cho người dân. Bên cạnh đó, huyện sẽ rà soát lại những vướng mắc của người dân nhằm kịp thời hỗ trợ", ông Khánh nói.
Trần Hoá