Núi Phú Sĩ mang nhiều giá trị lịch sử và tinh thần trong tín ngưỡng của người dân đất nước mặt trời mọc. Đây là ngọn núi cao nhất Nhật Bản (hơn 3.700 m), cách Tokyo khoảng 100 km về phía Tây Nam. Lượng khách tới đây mỗi ngày rất đông nhưng ít ai biết rằng, ngay dưới chân núi có một khu rừng nguyên sinh mang tên Aokigahara nổi danh vì giai thoại sởn tóc gáy của những vụ tự sát bí ẩn.
Thậm chí, đầu năm nay, các nhà làm phim Mỹ còn cho ra mắt bộ phim kinh dị "The Forest", kể về câu chuyện một cô gái vào rừng Aokigahara để tìm lại người chị mất tích và khám phá ra những bí mật rợn người.
Khu rừng âm u, rậm rạp, đầy những tảng cây cỏ xanh dày đặc, nối dài miên man, che hết ánh sáng và những thân cây xoắn vặn hình thù ma quái. Ẩn chứa bên trong đó là vô số cái chết chưa được giải đáp. Một số nguồn cho biết, có khoảng 500 vụ đã được ghi nhận nhưng lại có nguồn khẳng định, riêng mỗi năm đã có khoảng 100 vụ nên con số tổng cộng sẽ lớn hơn nhiều. Thống kê tỷ lệ tự sát tại Aokigahara thường dao động bởi đường đi hiểm trở, có những thi thể nhiều năm mới được tìm thấy hay có người vào rừng rồi mất tích mãi mãi.
Phương thức phổ biến nhất là treo cổ trên những cành cây cổ thụ u tịch. Nhiều xác được tìm thấy khi đã chỉ còn trơ bộ xương và y phục bên ngoài. Một số thi thể khác được tìm thấy ở gần nhau hay chỉ còn tư trang mà không tìm thấy xác. Nhiều người Nhật tin rằng những người này đã bị hồn ma đưa đường dẫn lối, nảy sinh, dẫn dụ bằng những câu chuyện đau buồn, khiến họ quẫn trí mà tự sát.
Từ khóa "Aokigahara" trên mạng luôn gắn với những hình ảnh kinh dị của xác người treo lủng lẳng trên thân cây, những cái bẫy chôn dưới đất do con người tạo ra, càng khiến khu rừng trở thành điểm du lịch chết đáng sợ ở Nhật.
Kỳ lạ hơn, khi rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm ở trong rừng, bạn khó có thể sử dụng điện thoại để cầu cứu. Các chuyên gia ghi nhận nhiều trường hợp khẩn cấp, nạn nhân không thể sử dụng điện thoại vì sóng di động, các thiết bị định vị GPS, thậm chí cả la bàn đều đột nhiên mất tín hiệu hay bị vô hiệu hóa.
Lý do được cho là dưới lòng đất có nhiều quặng sắt mang từ trường, làm nhiễu sóng. Do đó, nhiều người muốn khám phá khu rừng đều phải mang theo băng dính để đánh dấu đường, tránh bị lạc.
Việc khu rừng này trở thành nơi tự sát được yêu thích vẫn còn là điều bí ẩn đối với chính quyền Nhật. Do tỷ lệ tự tử quá cao, chính phủ đã thực thi nhiều biện pháp để cố gắng giảm đi con số đau lòng này. Một trong số đó là lắp đặt các máy quay an ninh tại lối vào của khu rừng và tăng số lượng nhân viên bảo vệ ở đây.
Ngay cả những người có ý định đến đây cắm trại cũng bị liệt vào dạng nghi vấn muốn kết liễu đời mình. Do đó, họ luôn được nhân viên theo sát và lựa lời khuyên nhủ khi cần. Nhiều biển báo được dựng lên ở các lối đi xuyên suốt khu rừng với những lời nhắn như: "Hãy suy nghĩ đến con cái và gia đình của bạn" hay "Mạng sống của bạn là món quà mà bố mẹ bạn trao cho".
Nhiều đội tình nguyện được thành lập để thực hiện rà soát, ngăn chặn những người đến đây tự sát, hoặc tìm kiếm thi thể để chôn cất nạn nhân được tử tế, thay vì bỏ xác trong rừng hoang lạnh.
Xem thêm: Công viên tượng người đầy ám ảnh ở Nhật Bản
Theo Ngoisao