Một thời gian dài, Chung Ying được biết đến với tên gọi phố Trung-Anh (China England Street) do nằm dọc theo đường ranh giới giữa Trung Quốc và Hong Kong trong thời kỳ thuộc địa. Đây cũng là nơi duy nhất tại Hong Kong mà người Trung Quốc có thể ghé thăm.
Khi ấy, du khách rất khó để đặt chân đến Chung Ying. Nếu muốn tới, họ cần xin giấy phép tại đồn cảnh sát Sheung Shui, trước khi đến trạm kiểm soát ở thị trấn biên giới Sha Tau Kok.
Vào những năm đầu thập niên 1980, vì là nơi duy nhất ở Hong Kong người Trung Quốc có thể qua lại nên Sha Tau Kok gần như chỉ toàn người Trung Quốc. Họ tới đây để mua bán các mặt hàng như xà phòng, sữa bột, vải hay các thiết bị điện, biến Chung Ying thành khu vực mua sắm nhộn nhịp. Theo giáo sư Lau Chi-pang của Đại học Lĩnh Nam, ước tính trong giai đoạn 1980-1990, nơi đây đón gần 100.000 lượt khách mỗi ngày. Trước cơ hội kinh doanh rộng mở, nhiều cửa hàng vàng và trang sức cũng liên tiếp mọc lên. Việc mua bán phát đạt tới mức các chủ cửa hàng thậm chí không kịp đưa hàng lên kệ mà bán trực tiếp từ các chuyến xe tải cho khách.
Tuy nhiên, cũng chính vì vị trí đặc biệt mà Sha Tau Kok dần trở thành nơi ẩn náu của những kẻ trốn chạy từ Hong Kong tới Trung Quốc và người nhập cư bất hợp pháp theo nhiều con đường khác nhau. Theo thời gian, các tổ chức buôn lậu dần phát triển mạnh mẽ, cai quản và chiếm đóng các khu phố, đặc biệt tại Chung Ying. Tình hình bất ổn nảy sinh dẫn đến việc Sha Tau Kok bị cả Hong Kong lẫn Trung Quốc phong tỏa. Chỉ có cư dân tại đây mới được phép ra vào và họ đã phải mất một thời gian dài kiến nghị để chính quyền cho phép mở cửa thị trấn trở lại.
Những năm gần đây, các hạn chế dần được nới lỏng. Du khách Trung Quốc bắt đầu quay trở lại Hong Kong và đến thăm nhiều địa điểm khác, không còn giới hạn tại Sha Tau Kok. Ngày nay, mặc dù Chung Ying vẫn có hàng chục cửa hàng bán sữa bột hay các sản phẩm làm đẹp nhưng đã không còn vẻ phồn thịnh như trước. Rất nhiều cửa hàng trống rỗng do cư dân chuyển đi nơi khác với hy vọng tìm thấy cơ hội làm ăn hứa hẹn hơn.