Gần 10 tháng trước, ông Rodrigo Duterte lên làm Tổng thống Philippines và biến đất nước thành chiến trường truy quét ma túy. Kể từ đó, số lượng các vụ án mạng gia tăng nhanh chóng. Santo Nino, khu dân cư thuộc thủ đô Manila, không nằm ngoài vòng xoáy. Giờ đây, nhắc tới Santo Nino, người dân Philippines sẽ liên tưởng tới một khu phố chết chóc, nơi thường xuyên xảy ra những vụ giết người gây sốc, theo CNN.
Maria Musabia chầm chậm bước đi phía sau hai quan tài trắng đơn sơ và nhỏ bé để hướng tới hai hố nông mới đào. Người bà 68 tuổi thỉnh thoảng lấy khăn lau nước mắt. Quan tài được mở ra để thân nhân nhìn mặt người quá cố lần cuối.
Trong một quan tài là Francisco, 5 tuổi, cháu trai Musabia. Chiếc còn lại chứa thi thể Domingo Manosca, 44 tuổi, con trai bà, cha của Francisco. Manosca làm nghề lái xe kéo chở khách. Ông có sử dụng ma túy đá. Manosca bị giết tại nhà riêng vì cáo buộc buôn bán ma túy. Tuy nhiên, gia đình ông phủ nhận.
'Khu phố chết chóc'
Santo Nino là khu dân cư nghèo, việc làm khan hiếm, cơ sở vật chất tồi tàn, điện nước không đầy đủ. Khi những vụ giết người đầu tiên xảy ra, truyền thông Philippines đã gán cho Santo Nino một biệt danh mới: "Khu phố chết chóc".
Gia đình Manosca sống trong căn hộ nằm trên lầu ba một khu tập thể xập xệ thuộc Santo Nino. Vợ ông, Elizabeth Navarro, 29 tuổi, phải trải qua nỗi đau nhân đôi khi vừa mất cả chồng lẫn con. Thời điểm phóng viên CNN tới gặp Navarro, cô đang mang thai đứa con thứ 5.
Navarro vẫn nhớ mọi chuyện xảy ra vào một buổi tối đầu tháng 12 năm ngoái. Manosca đang cố gắng sửa chiếc đầu đĩa DVD thì từ trong bóng tối, những tiếng súng vang lên, đạn bắn xuyên qua tấm gỗ dán họ dùng làm tường nhà. Manosca chết tại chỗ. Viên đạn còn lại găm trúng trán Francisco khi cậu bé nằm ngủ gần đấy. Cuộc điều tra về cái chết của họ chưa có kết quả.
Theo số liệu từ Cảnh sát Quốc gia Philippines, chiến dịch truy quét do Tổng thống Duterte phát động đến nay đã giết chết 7.500 đối tượng được cho là liên quan đến ma túy. Ông Duterte từng gửi thông điệp tới những người sử dụng và buôn bán ma túy ở Philippines rằng: "Nếu các ngươi phá hoại đất nước, ta sẽ giết hết".
Hồi tháng 7 năm ngoái, Santo Nino trở thành tâm điểm báo chí với vụ sát hại Michael Siaron. Bức ảnh vợ Siaron ôm xác anh gào khóc trên phố nhanh chóng lan truyền và trở thành biểu tượng cho cuộc chiến chống ma túy tại Philippines.
Dù còn nhiều vụ án mạng chưa có lời giải, cư dân Santo Nino cho biết khu dân cư này hiện an toàn hơn trước. Những kẻ buôn bán, sử dụng ma túy từng qua lại nơi đây giờ hầu hết đều bị bỏ tù, đã chết hoặc buộc phải hoạt động kín đáo. Song, sự an toàn cũng đi kèm cái giá của nó.
Manosca thừa nhận mình dùng shabu, một loại ma túy đá rẻ tiền phổ biến ở Philippines. Ông tham gia một chiến dịch do nhà chức trách đề ra nhằm xác định những người sử dụng ma túy. Chương trình cho phép cảnh sát yêu cầu người dùng ma túy đăng ký với chính quyền địa phương. Cảnh sát cho hay khoảng 1,2 triệu người Philippines đã đăng ký. Họ đáng nhẽ được chính phủ hỗ trợ cai nghiện và tái hòa nhập song rất nhiều người nói chúng không đủ hoặc không tồn tại.
Musabia kể bà biết Manosca từng dùng ma túy nhưng khăng khăng cho rằng ông không buôn bán chúng. Cuối cùng, việc tham gia chương trình do chính phủ phát động không thể cứu ông khỏi lưỡi hái tử thần. Trái lại, nó dường như còn khiến Manosca lọt vào tầm ngắm của những kẻ giết người.
"Tôi chẳng có gì để nói về ông Duterte", bà Musabia cho hay. "Ngay cả nếu cảm thấy giận dữ, chúng tôi cũng không thể làm gì. Chúng tôi không thể nổi giận vì người ta đã bầu cho ông ấy".
Tổng thống Duterte thề sẽ xử tử 100.000 tên tội phạm và ném chúng xuống vịnh Manila. Không lâu sau khi nhậm chức, trong một bài phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, ông thể hiện thái độ ủng hộ hành vi giết người ngoại tụng.
"Hãy thoải mái gọi cho chúng tôi, cảnh sát hay tự mình ra tay nếu các bạn có súng... Tôi ủng hộ", Tổng thống Philippines tuyên bố. "Bắn chúng và tôi sẽ trao huân chương cho các bạn".
Tuy nhiên, cô Navarro cho rằng ông Duterte đã chĩa mũi dùi vào nhầm đối tượng.
"Ông ấy nên truy bắt những kẻ tạo ra ma túy trước tiên", Navarro nói. "Sẽ không có người dùng ma túy nếu không có người bán hay người làm ra chúng".
Trong điện thoại di động của Musabia vẫn còn đoạn video quay cảnh cháu trai bà, Francisco, chơi đùa hồn nhiên với một đồng xu đặt trên trán, tràn đầy sức sống. Musabia cười buồn khi xem lại đoạn phim.
Francisco chơi đùa với đồng xu
Nay, khi công việc ma chay đã xong, Navarro cho biết cô chỉ muốn tập trung vào đứa bé sắp chào đời. "Mối quan tâm duy nhất của tôi lúc này là sinh con. Tôi không muốn nghĩ gì nữa", Navarro nói.
Ủy ban Nhân quyền Philippines (HRC), hoạt động độc lập với chính quyền, có nhiệm vụ điều tra các vụ xâm phạm nhân quyền. HRC đã tìm đến gia đình Navarro để vận động cô đâm đơn kiện. Song, Navarro từ chối vì lo sợ bị trả thù.
"Tôi không biết ai giết hại chồng mình. Tốt nhất nên giữ im lặng. Chúng tôi không muốn chúng tìm đến chúng tôi", cô chia sẻ.
Vũ Hoàng