Thứ hai, 25/11/2024
Thứ hai, 26/2/2024, 10:19 (GMT+7)

Khu ổ chuột ở Tokyo trong mắt khách Việt

Sanya, khu ổ chuột mang bầu không khí ảm đạm, nhếch nhác nhưng là điểm đến "thú vị" gây tò mò với nhiều lữ khách khi đến Tokyo, trong đó có Nguyễn Noah.

Theo Trung tâm Lao động và Phúc lợi Johoku, Sanya có diện tích khoảng 1,6 km2 và là nơi sinh sống của đông đảo người lao động thời vụ cho các công trường. Tuy nhiên, qua thời gian, số lượng công việc ngày càng ít khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn.

Đây hiện là khu nghèo nhất của Tokyo, tập trung người vô gia cư, người già về hưu hoặc lao động thu nhập thấp. Năm 2019, khu này có khoảng 1.500 người sinh sống, đa số đã nghỉ hưu, trong độ tuổi 60-70.

Nguyễn Noah (Lại Ngứa Chân), một travel blogger Việt, đã tới Sanya hồi tháng 7/2023, để thỏa đam mê khám phá những địa điểm độc, lạ.

Trong ảnh là một góc phố của khu Sanya buổi sáng, hầu như không có người qua lại. Noah nói nhiều căn nhà ở khu này xuống cấp trầm trọng nhưng không được tu sửa. Với Noah, "Sanya ảm đạm, già cỗi", với nhịp sống chậm rãi, buồn tẻ đối lập hoàn toàn với thủ đô Tokyo.

Một căn nhà cũ nát không được tu sửa trong khu Sanya nhưng vẫn có người ở.

Trên các con phố của Sanya, một số người vô gia cư dựng lều để ngủ.

Vài chiếc lều nhỏ nằm ngay trên vỉa hè tại khu ổ chuột này.

Khu Sanya được hình thành từ thời Edo, vốn dành cho người thu nhập thấp. Tới Thế chiến II, Sanya thành nơi tị nạn cho những người phải di tản vì bom đạn.

Theo Japan Today, khoảng 50 năm trước, chính quyền Nhật Bản đã xóa bỏ Sanya trên bản đồ hiện đại để ngăn tình trạng nghèo đói, bạo lực, vô gia cư làm ô uế hình ảnh thủ đô. Cái tên Sanya không tồn tại trên bản đồ cũng như bất kỳ cẩm nang du lịch chính thống nào.

Noah bất ngờ vì cảnh trước cửa nhà nào hầu như cũng có vài túi rác. Anh tới đây vào khoảng 11h và không thấy xe rác đi thu gom.

Thùng rác công cộng hầu như không thể tìm thấy ở trung tâm Tokyo nhưng lại xuất hiện khắp nơi tại Sanya.

Một khu vực tập kết rác tự phát trong khu Sanya.

"Khu vực này không thể sạch sẽ như Tokyo nhưng tôi thấy vẫn tốt hơn nhiều so với các khu ổ chuột khác trên thế giới", anh nói sau khi khám phá nhiều khu ổ chuột nguy hiểm ở châu Phi. Anh cũng đánh giá "rất cao" Sanya về mức độ an toàn.

Theo Tokyo Tourists, blog về du lịch Tokyo, ghé thăm Sanya là một trải nghiệm thú vị để du khách có cái nhìn đa chiều về thủ đô của Nhật Bản. Chủ blog này khuyên du khách cần "du lịch có trách nhiệm và tôn trọng người địa phương" khi tới đây.

Trước cửa một khách sạn trong khu Sanya với biển hiệu ghi "Còn phòng, giá 2.250 yên mỗi đêm" (khoảng 400.000 đồng). Theo Noah, khu này cũng là nơi qua đêm của nhiều khách du lịch ba lô vì chi phí sinh hoạt rẻ. Các máy bán nước, đồ ăn tự động ở đây cũng đồng giá sản phẩm chỉ 100 yên (khoảng 17.000 đồng) - rẻ hơn nhiều so với trung tâm thành phố.

Theo Borgen Project - tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm chống đói nghèo toàn cầu - đô thị hóa không phải lời giải cho vấn đề tài chính ở đây. Từ lâu, chính quyền địa phương đã phản đối các dự án phát triển thương mại lớn nhưng lại không thể ngăn chủ đất phá hủy các nhà trọ giá rẻ để xây dựng những thứ sinh lợi hơn. Điều này đồng nghĩa nhiều cư dân sẽ mất chỗ ở và không khí đặc trưng của Sanya có thể biến mất theo thời gian.

Hình ảnh những người đàn ông đánh cờ trên phố không hiếm gặp ở Sanya.

Một góc của khu sinh hoạt giữa đường của người vô gia cư ngổn ngang áo, móc treo, nồi cơm điện, quạt và bàn.

Ngã tư trung tâm của Sanya. Noah cho biết các dịch vụ thiết yếu ở đây khá đầy đủ nhưng không đa dạng như trung tâm Tokyo. Ngoài ra, người dân không biết nói tiếng Anh.

Tú Nguyễn

Ảnh: Lại Ngứa Chân

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net