Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 1, từ khi Mộ cổ họ Lâm, còn gọi là Mã ông Thượng trong công viên Tao Đàn (quận 1) được UBND TP HCM công nhận là di tích lịch sử đã có nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Vì vậy, cần tăng cường mỹ quan, tạo sự trang nghiêm, điểm nhấn cho khu vực này.
Sau khi khảo sát, đơn vị này đề xuất Sở Giao thông Vận tải cho phép làm đường đi dạo trước khu mộ cổ bằng đá chẻ thay vì người dân muốn tham quan phải đi lên cỏ như hiện nay, xây bia ốp đá hoa cương gắn bảng tên di tích, tạo tiểu cảnh, đồi cỏ và trang trí bằng các loại hoa kiểng. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 45 triệu đồng từ nguồn vốn duy tu lĩnh vực công viên cây xanh.
Theo Sở Văn hóa Thể thao, mộ cổ họ Lâm được xây dựng năm Ất Tỵ (1895) và là một trong những ngôi mộ hợp chất có diện tích lớn và di tích kiến trúc đẹp còn lại ở TP HCM.
Trong khi đó các nhà khảo cổ học cho rằng, theo truyền tụng, đây là mộ ông Lâm Tam Lang, người gốc Quảng Đông tự "Nguyên thất" mất vào mùa thu Ất Mão (1795) và vợ Mai Thị Xã. Hậu duệ đời thứ tư của ông Lang là cụ Lâm Quang Ky, Phó lãnh binh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Phó lãnh binh là người đã góp phần không nhỏ trong trận chiến thắng Nhật Tảo.
Ngày 10/4/2014, UBND thành phố quyết định công nhận mộ cổ họ Lâm là di tích lịch sử cấp thành phố để gìn giữ, bảo tồn. Cùng với việc xếp hạng, thành phố nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ; trường hợp đặc biệt sử dụng đất ở khu vực di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của Chủ tịch thành phố.
Hữu Nguyên