Theo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP HCM, di tích kiến trúc nghệ thuật là Mộ cổ họ Lâm (Công viên Tao Đàn, phường Bến Thành, quận 1) được xây dựng năm Ất Tỵ (1895) và là một trong những ngôi mộ hợp chất có diện tích lớn và kiến trúc đẹp còn lại ở TP HCM. Các nhà khảo cổ học cho rằng, theo truyền tụng, đây là mộ ông Lâm Tam Lang, người gốc Quảng Đông tự "Nguyên thất" mất vào mùa thu Ất Mão (1795) và bà Mai Thị Xã - vợ ông.
Còn Miếu Nổi (Miếu Phù Châu) tại phường 5, quận Gò Vấp trên sông Vàm Thuật được xem là một trong những công trình tín ngưỡng độc đáo nhất Việt Nam. Miếu được xây gần như bao trùm trên một cồn đất nhỏ có diện tích khoảng 2.500 m2 nổi giữa sông Vàm Thuật. Do địa thế đặc biệt nên miếu thường được người dân gọi là Miếu Nổi. Khách muốn sang miếu phải đi bằng đò.
Ngoài 2 di tích kiến trúc nghệ thuật, đợt này Chùa Long Hoa, ở đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 cũng được UBND TP xếp hạng di tích lịch sử trong đợt này. Chùa do các phật tử xây dựng năm 1902 và được đại trùng tu vào năm 2000-2003 trên diện tích 14.000 m2.
Cùng với việc xếp hạng các di tích, UBND TP HCM nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ; trường hợp đặc biệt sử dụng đất ở khu vực di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của Chủ tịch thành phố. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan liên quan được giao quản lý đối với di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng nêu trên.
TP HCM hiện có có 153 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích, trong đó có một di tích quốc gia đặc biệt (Dinh Độc lập); 58 di tích cấp quốc gia và 94 di tích cấp thành phố. Từ năm 2010, UBND TP HCM đã quyết định kiểm kê lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử 168 công trình, địa điểm. Đến nay, nhiều công trình đã được hội đồng xét duyệt di tích thành phố thông qua đề nghị xếp hạng di tích, số còn lại đang tiếp tục khảo sát.
Trung Sơn