Được hứa hẹn sẽ đạt chuẩn hiện đại, hoàn hảo, có tính kết nối cao với khu trung tâm nhưng nhiều năm trôi qua, nhiều khu đô thị mới tại Sài Gòn vẫn chỉ là đô thị "lồi lõm". Thực tế này đã giảm thiểu tính kết nối xã hội của người dân cũng như làm xấu đi diện mạo của một vùng kinh tế năng động và phát triển như TP HCM.
Khoảng 300 hộ dân đã dọn về chung cư Mỹ Thuận, quận 8, TP HCM, từ năm 2005 nhưng mãi đến nay, ngoài tòa nhà cao tầng và trục đường chính vào chung cư đã được sử dụng, các hạng mục còn lại đều dở dang.
Nhiều cặp vợ chồng trẻ muốn đưa con đi mẫu giáo phải "lội ngược" từ quận 8 ra khu trung tâm quận 6 mới có trường giữ trẻ. Những em học sinh tiểu học, trung học phải học trái tuyến rất xa nhà gần 3 năm qua. Người già trong chung cư này cũng chẳng có nơi sinh hoạt cộng đồng. Công viên vẫn chưa xanh như khi dự án được quảng cáo trên bản đồ quy hoạch toàn khu.
Lý do khiến dự án trì trệ, theo giải thích của chủ đầu tư, vì vướng đền bù giải tỏa, thỏa thuận mãi nhưng vẫn chưa xong, dẫn đến việc phải hoãn tiến độ xây các hạng mục phụ gắn liền với đất "da beo" (chưa đền bù xong). Cả hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đều hoàn thiện ì ạch, cái khó lại đổ lên đầu người dân.
Phố Nguyễn Lương Bằng, một trong những tuyến đường chính của Phú Mỹ Hưng, khu đô thị mới kiểu mẫu phía Nam Sài Gòn. Ảnh: Đức Quang. |
Tương tự, các khu dân cứ Đông TP HCM, hướng cầu Sài Gòn, Thạnh Mỹ Lợi, Bình Trưng Đông ở quận 2, trải dài hầu như đất trống mênh mông, thậm chí chưa thấy được hạ tầng nội bộ từng khu đất. Nhà biệt thự, chung cư đã xây xong hoặc đang triển khai, tuy được giao dịch trên thị trường rất sôi nổi nhưng vẫn vắng người ở. Nguyên nhân, theo dân thổ địa khu này cho hay, là do an ninh của các tòa nhà quá lỏng lẻo, tính kết nối còn rời rạc với khu trung tâm.
Khu Nam Sài Gòn vốn được tiếng là nằm trong khu vực phát triển mới hoàn chỉnh nhất, cũng không khá hơn là bao. Cách khu đô thị Phú Mỹ Hưng khoảng 6 km, chung cư Conic xây dựng trên khu đất rộng tuy đã bán sạch căn hộ, có ít nhất 60% cư dân đến sống, nhưng quanh tòa nhà này vẫn chưa có công viên, trạm xá kèm theo dịch vụ y tế, khu thương mại, nơi sinh hoạt cộng đồng, vườn trẻ...
Một chủ hộ ngụ tại đây tiết lộ, sở dĩ chủ đầu tư chưa bổ sung các hạng mục còn lại vì phải chờ đến khi lượng người sinh sống đông hơn, nhu cầu tăng lên mới hoàn thiện dần các dịch vụ kèm theo.
Hầu như những dự án nhà ở tại khu Nam hoặc khu Đông Sài Gòn đều rơi vào tình trạng chỉ dựa vào trục hạ tầng chính của TP HCM như đại lộ Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội... Người dân sống tại đây chưa được thụ hưởng hạ tầng nội bộ hoặc các tiện ích ngay trong lòng đô thị mới. Cần dịch vụ y tế, trường học, siêu thị, chợ... họ đều phải đổ về khu trung tâm, càng làm tăng thêm xung đột về giao thông, chứ không như mục tiêu ban đầu là tạo ra các đô thị vệ tinh.
Những quận còn nhiều đất trống như quận 9, quận Thủ Đức, Huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, nơi cách xa trung tâm thành phố hơn 30 phút ô tô càng lộ rõ tình trạng này.
Nguyên nhân khách quan, theo giới kinh doanh địa ốc, khu đô thị mới không hoàn chỉnh là do vướng thủ tục hành chính bao gồm xin phép, chờ cấp phép, trình/duyệt quy hoạch cũng như việc đền bù giải tỏa mất quá nhiều thời gian (ít nhất 2-3 năm), dẫn đến trì trệ mọi thứ.
Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan, theo các chuyên gia bất động sản, do nguồn vốn ít, tiềm lực tài chính yếu kém khiến cho chủ đầu tư không đủ sức đảm đương toàn bộ dự án theo đúng quy hoạch. Thay vào đó, họ phải chẻ nhỏ dự án ra, làm cuốn chiếu dần mới cầm cự nổi. Chính vì vậy, nhà ở được ưu tiên xây trước, còn mọi hạng mục khác chỉ được liệt vào hàng thứ yếu, lúc nào xây cũng được, thậm chí "quên" xây.
Trao đổi với VnExpress, Phó viện trưởng Nghiên cứu hạ tầng đô thị TP HCM, ông Nguyễn Đăng Sơn thừa nhận thực trạng đáng buồn là thành phố có quá ít những khu đô thị hoàn chỉnh.
Thậm chí, ông Sơn còn cho rằng, tìm một đô thị kiểu mẫu như Phú Mỹ Hưng lại càng hiếm hoi. Theo ông, đó là thiếu sót rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện mạo của thành phố năng động nhất nước, gây trở ngại cho đời sống và sinh hoạt của người dân.
Theo ông Sơn, dự án bán nhà nghĩa là chỉ bán có chỗ ở, còn các hạ tầng công cộng, hạ tầng xã hội "lội" theo sau hoặc không bao giờ có. Chịu thiệt thòi trước tiên là người sở hữu căn hộ. Về lâu dài, chuyên gia này cho rằng, doanh nghiệp sẽ đối mặt với không ít bất lợi. Bởi lẽ, đô thị khiếm khuyết có giá trị thấp trên thị trường giao dịch hoặc khó duy trì bền vững giá trị gốc, khách hàng cũng không chuộng loại sản phẩm có nhiều "khuyết tật".
Ông khuyến cáo đến các nhà phát triển bất động sản, kinh doanh căn hộ, đặc biệt là khu đô thị, cần nghiêm túc đầu tư dài hạn, căn cơ, chấp nhận bất lợi trước mắt để xây dựng đúng quy hoạch, đúng cam kết mới đảm bảo phát triển bền vững và tạo dựng thương hiệu để vươn xa.
Trong khi đó, một chuyên viên nghiên cứu phát triển đô thị tại TP HCM đề xuất, nên giải quyết mâu thuẫn này bằng cơ chế linh động của thị trường chứ không nên điều tiết bằng mệnh lệnh hành chính.
Theo đó, cơ quan quản lý nên báo động cho người dân hiểu, khi mua nhà không nên chỉ xem phần xác mà còn phải quan tâm đến cầu đường, tiện ích công cộng, tính kết nối với xã hội và chất lượng môi trường sống để tránh những thất vọng về sau.
Vũ Lê