Thứ bảy, 4/5/2024
Thứ bảy, 18/12/2021, 03:29 (GMT+7)

Khu di tích Nguyễn Công Trứ

Hà TĩnhMộ phần Uy viễn tướng công, tác giả "Bài ca ngất ngưởng", tọa lạc trên khu đất 2.000 m2 ở xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân.

Quần thể khu di tích Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ được chia làm hai phần, gồm khu mộ và nhà thờ lưu niệm. Khu mộ Nguyễn Công Trứ được đặt tại thôn Lam Thủy, xã Xuân Giang, diện tích 3.000 m2, được người dân Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình) cùng con cháu dòng họ xây năm 1868.

Nguyễn Công Trứ (1778-1858), tự là Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu là Hi Văn, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Theo một số tài liệu, ông sinh ra ở Quỳnh Côi, Quỳnh Phụ (Thái Bình), đến năm 10 tuổi mới theo gia đình về quê cha ở Hà Tĩnh.

Từ nhỏ, Nguyễn Công Trứ đã sống trong cảnh nghèo khó nhưng luôn nuôi ý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp. Mãi đến năm 1819, khi đã 41 tuổi, Nguyễn Công Trứ mới thi đỗ Giải nguyên và được bổ làm quan. Theo Danh nhân Việt Nam, ông làm quan ở các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, nổi tiếng là thanh liêm, chính trực, tài trí hơn người.

Đầu năm 1828, vua Minh Mạng lệnh cho Nguyễn Công Trứ giữ chức Dinh điền sứ. Đến Tiền Châu (Nam Định), Nguyễn Công Trứ nhanh chóng bắt tay vào việc khai hoang. Tháng 10, ông đã thành lập một huyện mới có tên là Tiền Hải thuộc phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định. Sau khi thành công, nhận thấy ở các huyện Yên Khánh, Yên Mô thuộc Ninh Bình một dải bãi biển còn nhiều đất hoang rậm, ông xin đến đo đạc. Đến tháng 3/1829, ông bắt đầu đặt huyện Kim Sơn.

Ngoài việc khai khẩn đất đai, Nguyễn Công Trứ còn có công làm yên những cuộc khởi nghĩa nông dân của Phan Bá Vành ở Nam Định, của Nùng Văn Vân ở Tuyên Quang... Ông chăm lo cho cuộc sống đói nghèo của nông dân, đề nghị "đặt nhà học" cho con em nhân dân, "đặt xã thương" ở các làng để quản lý thóc gạo và rất nhiều công việc khác nhằm đảm bảo cuộc sống cho dân.

Mộ Nguyễn Công Trứ xây bằng đá, hình chữ nhật, đầu hướng phương Bắc, dài 2,2 m, rộng 1,1 m, phía trên vát kiểu mái nhà.

Không chỉ là nhà quân sự, nhà khẩn hoang, Nguyễn Công Trứ còn là nhà thơ nổi bật trong nền văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 19. Ông có tài, lại là người của hành động. Trải qua nhiều thăng trầm, Nguyễn Công Trứ hiểu sâu sắc nhân tình thế thái đương thời. Ông đưa những suy ngẫm của mình vào thơ ca, thể hiện khí phách ngang tàng, tài hoa.

Thơ ca của Nguyễn Công Trứ xoay quanh các chủ đề như chí nam nhi, cảnh nghèo và thế thái nhân tình hay triết lý hưởng lạc. Có những câu thơ mà chỉ cần nhắc tới là người đời nghĩ ngay tới ông như: "Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông", hay "Trời đất cho ta một cái tài/ Giắt lưng dành để tháng ngày chơi".

Trong khuôn viên còn có mộ phần của các cụ thân sinh và con cháu trong đại gia đình Nguyễn Công Trứ.

Nổi tiếng bậc nhất trong các áng thơ ca của Nguyễn Công Trứ có thể kể đến "Bài ca ngất ngưởng" - tác phẩm được đưa vào chương trình Ngữ văn THPT. Bài thơ thể hiện cuộc đời làm quan thăng trầm của ông, đồng thời cho thấy sự ngất ngưởng, cái ngông của bậc dũng tướng.

"Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng.
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc bình Tây cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.
Đô môn giải tổ chi niên,
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng".

Ngày 17/12, huyện Nghi Xuân làm lễ tưởng niệm 163 năm ngày mất của ông tại khu di tích.

Cách mộ phần khoảng 400 m là khuôn viên viên nhà thờ, rộng khoảng 2.000 m2, nằm bên tỉnh lộ 22, thuộc thôn Lam Thủy, xã Xuân Giang. Nơi này được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia năm 1991.

Khuôn viên nhà thờ được xây tường bao quanh. Cổng ra vào bố trí hai cột nanh viết chữ Hán, trên có nghê chầu.

Nhà thờ có ba gian, hướng Nam có hai vì kèo, cột đấu vuông, đều bằng gỗ lim. Mặt sau và hai đốc xây gạch kín, mái lợp ngói vây. Mặt tiền có 4 trụ đứng đỡ chân mái, thân trụ trước khắc nhiều câu đối bằng chữ Hán.

Bên phải nhà thờ là nhà bia, với nền làm bằng đá, xung quanh dựng 4 cột gỗ, phía trên thiết kế mái vòm và lợp ngói vây.

Bốn mặt bia ghi tiểu sử, công trạng của Nguyễn Công Trứ bằng tiếng Việt - Anh - Pháp - Hoa.

Chếch bên trái nhà thờ là nhà hát ca trù được dựng bằng nhiều cột gỗ lim. Phía trong là sạp diễn và sạp ngồi được xếp theo hình chữ U.

Tại đây chính quyền địa phương thường tổ chức các buổi biểu diễn ca trù, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Theo sử sách, Nguyễn Công Trứ là người sáng tác ca trù nhiều nhất, là người có công lớn trong việc hoàn thiện thể thơ hát nói. Các nhà nghiên cứu sau này đã xưng tụng Uy viễn tướng công là "ông hoàng hát nói".

Trong gia tài sáng tác gồm 63 bài hát nói còn sao lục được của Nguyễn Công Trứ có rất nhiều bài đã được các câu lạc bộ ca trù dàn dựng, biểu diễn phổ biến. Trong đó, nổi bật nhất và được nhiều địa phương hát nhất là: Chí làm trai, Vịnh Tỳ bà hành, Bài ca ngất ngưởng, Yêu hoa, Sầu tình, Duyên gặp gỡ, Một ngày nên nghĩa…

Bên phải lối ra vào khu di tích có dãy nhà cấp bốn, trong đó bố trí một phòng trưng bày các tài liệu, hiện vật liên quan Nguyễn Công Trứ.

Lãnh đạo huyện Nghi Xuân cho biết, quần thể hiện nay chưa tương xứng với công lao, đóng góp to lớn của Nguyễn Công Trứ. Nhà chức trách đã có dự án mở rộng, nâng cấp khu di tích song chưa thể bố trí được vốn.

Hàng năm khu di tích đón hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến thắp hương, tham quan, nghiên cứu các giá trị lịch sử, văn hóa...

Đức Hùng

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net