VNExpress

Thứ ba, 2/7/2024
Chọn địa danh
Chủ nhật, 23/8/2020, 15:03 (GMT+7)

Nơi an nghỉ của cố Tổng Bí thư Trần Phú

Hà TĩnhMộ phần Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam Trần Phú được xây năm 2000, trên ngọn núi Quần Hội, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ.

Tổng Bí thư Trần Phú sinh ra tại Phú Yên, nguyên quán ở làng Tùng Sinh, nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Ông là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em, bố là nhà nho Trần Văn Phổ, mẹ tên Hoàng Thị Cát.

Tháng 10/1926, Trần Phú được kết nạp vào Việt Nam thanh niên cộng sản đoàn. Đầu năm 1930, sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông (Nga) ông trở về Hà Nội và được bầu vào Ban chấp hành Trung ương lâm thời, được phân công soạn dự thảo Luận cương chính trị. Tháng 10/1930, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng họp ở Hương Cảng (Trung Quốc), Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Sau hội nghị, ông về Sài Gòn. Ngày 18/4/1931, ông bị thực dân Pháp bắt, giam cầm. Tháng 9 cùng năm, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam hi sinh.

Quần thể Khu di tích Trần Phú hiện nay đặt ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ được chia làm ba phần, gồm: khu mộ, nhà thờ, nhà trưng bày.

Khu mộ Trần Phú đặt trên núi Quần Hội, diện tích khoảng 47.000 m2, được khởi công xây dựng vào tháng 1/2000, hoàn thành vào tháng 4/2004, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Chiều cao khu lăng mộ so với mực nước biển là 24 m, các bậc thang lên xuống được làm bằng đá xanh, xung quanh khuôn viên cây xanh bao phủ.

Nằm chếch phía trước bên trái khu mộ là nhà bia tiểu sử ghi lại quá trình hoạt động cách mạng của Trần Phú, được xây sau năm 2004.

Trong khuôn viên di tích có hồ nước được xây theo hình trái tim, ở giữa là nhà Thủy tạ. Hồ nước này trước đây là một nhánh cụt của sông La chảy qua huyện Đức Thọ, nhà chức trách sau đó đã đắp đất ngăn lại thành hồ.

Chiều muộn mỗi ngày, người dân địa phương thường vào khu lưu niệm tham quan, hóng mát, tập thể dục.

Cách khu mộ khoảng 1 km là hệ thống nhà thờ và nhà trưng bày, xây trong khuôn viên rộng hơn 4.000 m2 ở xã Tùng Ảnh.

Nhà trưng bày được làm vào năm 1998, diện tích 160 m2, là nơi lưu giữ, giới thiệu gần 300 hiện vật, kỷ vật, tài liệu, hình ảnh gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Trần Phú và gia phả họ Trần từ đời thứ 15 đến 18.

Ở giữa nhà trưng bày, đối diện lối ra vào là tượng Trần Phú được đúc bằng đồng, phía sau là đoạn trích từ Luận cương chính trị.

Sách báo, tài liệu liên quan hoạt động cách mạng do Trần Phú soạn thảo được bảo quản kỹ càng.

Bộ quần áo (phía trên) và chiếc gối (phía dưới) được Trần Phú sử dụng trong thời gian hoạt động tại Hà Nội.

Xung quanh khuôn viên nhà thờ, nhà trưng bày là hệ thống gồm hơn 20 cây xanh như: cây đa, cây đại, cây phượng... được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng lưu niệm khi tới đây.

Ông Lê Doãn Thắng, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Trần Phú cho biết, mỗi năm có khoảng một vạn khách trong nước và quốc tế đến quần thể Khu di tích tham quan, thắp hương tri ân, học tập và nghiên cứu.

Đức Hùng

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net