Thông tin được Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chia sẻ trong buổi họp báo thường kỳ quý I/2023, chiều 5/4. Ông cho biết, trong quý I Bộ đã hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng 4 văn bản đề án, đồng thời phối hợp với UBND TP Hà Nội xây dựng, hoàn thiện đề án chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội.
Thứ trưởng cho biết, việc chuyển giao thực hiện theo chủ trương chung trong Nghị quyết của Đảng về chiến lược phát triển khoa học công nghệ qua các thời kỳ.
Từ khi thành lập, quy hoạch của Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được điều chỉnh 2 lần (lần 1: năm 2008). Hiện nay, Khu thực hiện theo điều chỉnh quy hoạch chung (lần 2, năm 2016) đến năm 2030.
Theo Thứ trưởng Duy, trong suốt thời gian xây dựng và phát triển, việc giải phóng mặt bằng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc gặp khó khăn trong thời gian dài. Dù vậy từ một khu đất liên quan đến núi đồi, khó phát triển nông nghiệp đã có những bước chuyển thành trở thành đô thị tiềm năng, có những bứt phá trong thu hút đầu tư, phát triển khoa học, các sản phẩm chủ lực công nghệ cao.
Ban đầu Khu công nghệ cao Hòa Lạc định hướng thành tam giác gồm Đại học Quốc gia Hà Nội và làng văn hóa hướng trở thành đô thị văn hóa giáo dục khoa học công nghệ. Khác với các khu công nghiệp bình thường, các khu công nghệ cao được định hướng thành đô thị khoa học công nghệ nơi tập trung các hoạt động đào tạo nhân lực, ươm tạo công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng cho hay, thời gian qua mục tiêu của Khu công nghệ cao Hòa Lạc là phát triển công nghệ lõi với định hướng nhiều cho các trung tâm, viện nghiên cứu, chứ không tập trung "lấp đầy" nhanh. "Nếu lấp đầy nhanh bằng doanh nghiệp FDI có thể trong thời gian ngắn sẽ có nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm nhanh nhưng sẽ bão hòa nhanh về tiềm lực", ông lý giải việc lựa chọn nhà đầu tư.
Một lý do khác dẫn tới việc chậm phát triển là khu công nghệ cao không có đô thị xung quanh, nhà ở và giao thông chưa thuận lợi. Bởi vậy "sau một thời gian phát triển, trong bối cảnh thay đổi cũng cần có điều chỉnh nhất định", Thứ trưởng nói và kỳ vọng khi Hà Nội tiếp nhận sẽ giữ nguyên được tinh thần phát triển công nghệ lõi, sẽ có đầu tư thêm, thuận lợi hơn để phát triển đô thị xung quanh.
Ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, cho biết đến tháng 3/2023, có 104 dự án đầu tư, cùng nguồn nhân lực gần 30.000 người.
Hiện đề án chuyển giao đã được Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ, trong đó có đánh giá phân tích tác động mô hình quản lý, dự báo, nêu các vấn đề tồn tại cần giải quyết khi phát triển mô hình. "Đơn vị đang lấy ý kiến đánh giá, góp ý để hoàn thiện bổ sung báo cáo và có đánh giá về lộ trình, phân tích chính sách đầu tư để quyết định trên cơ sở sẵn sàng của Hà Nội để chuyển giao", ông Trung cho biết.
Việt Nam hiện có ba khu công nghệ cao. Khu công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập từ năm 1998, tại huyện Thạch Thất và Quốc Oai (tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội) và là khu công nghệ cao duy nhất không trực thuộc chính quyền địa phương. Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện Khu công nghệ cao Hòa Lạc có quy mô gần 1.600 ha, được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các tiện ích và những khu chức năng.
Khu công nghệ cao TP HCM được thành lập năm 2002, tập trung vào bốn mũi nhọn gồm: Vi điện tử - Công nghệ thông tin - Viễn thông; Cơ khí chính xác - Tự động hóa; Công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; Năng lượng mới - Vật liệu mới - Công nghệ Nano.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng được thành lập từ năm 2010, có 6 phân khu chức năng chính, được kỳ vọng là trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển khoa học - kỹ thuật của thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.
Như Quỳnh