Hai tuần trước, bạn tôi ra ga Sài Gòn mua vé tàu Tết về Quảng Ngãi cho mẹ. Bạn bảo tạm thời chỉ mua một vé, vì mẹ bạn là người chắc suất về quê để ăn Tết với bố ở quê nhà.
Còn gia đình nhỏ ba người, bao gồm chồng và đứa con vẫn còn lưỡng lự, không biết có nên về hay không nên chưa mua. Lý do được đưa ra là mua vé cho cả nhà lúc đấy là còn quá sớm, vì sự xuất hiện của biến chủng Omicron nên không để đoán định được điều gì.
Nếu trong trường hợp xấu nhất, dịch lại bùng lên dịp sát Tết như năm ngoái thì có thể huỷ luôn vé của mẹ mà không cần phải tốn công làm thủ tục dời ngày hoặc đòi tiền vé lại. "Mua vé trước cho một người, nếu có bất trắc thì không thấy tiếc tiền", bạn nói.
>> Ăn Tết tại chỗ hay cố về quê?
Một trường hợp khác, cậu nhân viên quán cà phê gần nhà của tôi quê Thanh Hoá của tôi nói rằng Tết này sẽ không về. "Như vậy là hai năm rồi không về quê ăn Tết", cậu ấy nói với tôi. Lý do thật khác với trường hợp của bạn tôi: Không về vì không có tiền. Cậu ấy cho hay sẽ ở lại làm xuyên Tết để kiếm thêm tiền. Quán có hai chi nhánh nên chủ cũng rất cần cậu ở làm làm việc vì bây giờ tuyển người làm là rất khó khăn.
Những nghịch lý mà Covid-19 tạo ra cũng khiến chúng ta dở khóc dở cười. Nếu như các năm trước, lúc chưa có dịch thì khoảng thời gian hai, ba tháng trước Tết, nhiều người đã săn vé tàu, vé máy bay, vé xe để về quê. Giá vé các loại thời điểm này cũng tăng cao. Nhưng bây giờ, như bạn tôi vừa kể ở trên nói: Không sợ hết vé tàu vì chắc chắn lượng vé tồn còn nhiều, có khi sáng 29 Tết ra ga mua vẫn được.
TP Thanh Hoá có lẽ là một trong những địa phương đầu tiên kêu gọi người xa quê không về quê ăn Tết. Thư ngỏ vận động nói rằng người thân sinh sống, học tập, công tác xa tạm thời không về quê dịp Tết nếu không thực sự cần thiết.
Các địa phương khác cũng có động thái tương tự, chẳng hạn Quảng Nam không cấm người dân về quê ăn tết nhưng vận động không nên về. Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thông báo rằng người từ vùng đỏ về sẽ phải cách ly...
Sự lo lắng của các địa phương âu cũng là điều dễ hiểu, khi dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, hằng ngày tổng số ca nhiễm của cả nước đều trên 10 nghìn ca.
"Nên về quê ăn Tết hay không" có lẽ là câu hỏi khiến nhiều người lưu tâm nhất ở thời điểm này.
Người dân được nghỉ 9 ngày, đi lại mất từ một- hai ngày tùy theo phương tiện, khoảng cách xa hay gần. Cách ly ở nhà ít cũng một tuần, lâu hơn thì 14 ngày. Nếu có địa phương bắt đi cách ly tập trung thì làm thế nào... những câu hỏi làm khó người ở phương xa muốn về quê đón Tết.
>> 'Không về quê ăn Tết mới có nhà thành phố'
Dịp cận Tết 2021, người ta có thể nêu ra những lý do để bảo mọi người ai ở đâu, ăn Tết ở đó. Đại dịch Covid-19 tồn tại đã bước sang năm thứ ba. Nhiều người đã hai mùa Tết không được về quê sum họp với gia đình. Dịch làm nhiều người mất thu nhập, cảm thấy bí bách, stress vì nhiều tháng ở yên trong nhà, phòng trọ để chống dịch.
Hơn lúc nào hết, rất nhiều người đang muốn quê sum họp, đón Tết với gia đình, như một niềm an ủi sau những thời gian dữ dội. Một năm với nhiều biến động trôi qua, người ta lo sợ không gặp người thân, cha mẹ già bây giờ, liệu chờ đợi đến năm sau nữa có còn kịp?
Về quê ăn Tết là một nhu cầu rất chính đáng. Việc cần bàn ở đây là trong thời gian ngắn ngủi còn lại, liệu có thống nhất được quy trình, hình thức đón người về quê ăn Tết để giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất hay không? Các phường, xã ở địa phương đã chủ động tổ chức lực lượng để kiểm tra, rà soát người về quê theo tiêu chí đảm bảo 5K, an toàn hay chưa?
Tôi nghĩ rằng Tết năm nay, về được đến quê để sum họp với gia đình đã là niềm vui rất lớn, người ta sẽ ở nhà, phần cũng vì tâm lý sợ dịch, phần cũng có nhiều thứ để kể với gia đình hơn. Sẽ chẳng ai tung tăng ngoài đường hoặc tụ tập đông đúc để chơi Tết, du xuân như lúc bình thường.
Nam Quang
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.