Chiều 22/5, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết nguyên nhân các bệnh nhân - đang điều trị tại Chợ Rẫy và Nhân dân Gia Định - bị liệt là do độc tố botulinum xâm nhập cơ thể.
Theo bác sĩ Hùng, hết thuốc BAT (Botulism Antitoxin Heptavalent) giải độc botulinum là vấn đề rất đáng tiếc cho bệnh nhân và nan giải cho các bác sĩ điều trị.
Người ngộ độc botulinum sử dụng thuốc giải độc sớm thì chỉ 48 đến 72 tiếng là có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt, không phải thở máy. Hoặc, bệnh nhân bắt đầu thở máy 1-2 ngày sau khi ngộ độc mà được dùng thuốc thì trung bình 5-7 ngày là có thể hồi phục và cai máy thở, tập vật lý trị liệu để trở lại sinh hoạt bình thường.
Tuy nhiên, do không có thuốc giải độc, các bác sĩ chỉ có thể điều trị hỗ trợ, chủ yếu nuôi dưỡng và cho bệnh nhân thở máy.
"Trước đây chưa có hỗ trợ về máy thở, xâm lấn đường hô hấp, bệnh nhân rất dễ tử vong", bác sĩ Hùng nói, thêm rằng ngày nay có thể điều trị bằng phương tiện hỗ trợ như thở máy, nhưng kết quả không tốt như sử dụng thuốc giải. Ngoài ra, bệnh nhân thở máy kéo dài có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ phát, suy dinh dưỡng.
Hiện Bộ Y tế đã đưa ra phác đồ điều trị trong trường hợp có và không có thuốc giải độc BAT. Đây là loại thuốc rất hiếm trên thế giới, Việt Nam không dự trữ do hàng năm chỉ ghi nhận vài ca ngộ độc.
Bác sĩ Hùng nhận định quá trình đô thị hóa, khoa học kỹ thuật phát triển, con người tiếp xúc với nguồn độc nhiều hơn chứ không chỉ có botulinum. Như vậy, không chỉ riêng thuốc BAT mà bác sĩ Hùng cho rằng cần những thống kê, nghiên cứu mang tính chiến lược về danh mục thuốc quý hiếm để dự trữ, có sự điều phối chung vì thuốc giải quý hiếm, đắt tiền. Khả năng nhập và phân phối thuốc của một đơn vị y tế sẽ khó hơn so với khi có sự tham gia của các trung tâm điều phối theo vùng, miền hay quốc gia, để lúc cần có thuốc ngay.
"Thuốc giải có sẵn thì sức khỏe bệnh nhân trở lại bình thường sớm, ít bị biến chứng, bác sĩ cũng đỡ áp lực và ít tạo gánh nặng cho xã hội", bác sĩ Hùng nói.
Trước mắt, để nhanh chóng có được thuốc giải độc cho ba bệnh nhân còn lại, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã liên hệ với nhà nhập khẩu, nhà cung cấp nước ngoài, đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ để mua về. Bộ Y tế cũng đồng thời đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ trong trường hợp không có thuốc. Năm 2020, trong vụ hàng chục bệnh nhân ngộ độc botulinum do ăn pate chay, WHO cũng điều phối 10 lọ thuốc giải độc từ Thụy Sĩ về Việt Nam cứu chữa.
Từ ngày 13/5 đến nay, lần lượt 5 người ở TP Thủ Đức được xác định ngộ độc botulinum do ăn giò lụa bán dạo. Trong đó, ba em bé 10-14 tuổi đã được dùng thuốc giải độc, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, hiện diễn tiến cải thiện. Ngoài hai ca còn lại hiện nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy thì một người khác - ca thứ 6 - ngộ độc botulinum nghi do ăn mắm, đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cả ba ca đều được điều trị hỗ trợ vì cả nước không còn thuốc giải độc.
Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí - loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp, hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kiềm chế vi khuẩn phát triển.
Triệu chứng nhiễm độc là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các dấu hiệu này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và an toàn. Thận trọng với thực phẩm đóng kín có mùi vị hoặc màu sắc thay đổi, đồ hộp bị phồng, hở.
Mỹ Ý