Tiếng vuvuzela từng gây chú ý tại World Cup 2010 khi khiến cổ động viên trên khán đài lẫn sau màn hình phải inh tai. Trái với âm thanh đó, những chiếc thìa gỗ của người Nga có sức hấp dẫn rất riêng.
Các chuyên gia có thể tạo nên nhiều nhịp điệu vui tai với thìa gỗ, như phách castanet của người Tây Ban Nha. Nhưng nếu vào tay đám đông cổ động viên Nga, những chiếc thìa sẽ khó tạo thành một nhịp đều đặn, thay vào đó là hợp âm ồn ã vang dội khán đài.
Tại sao thìa gỗ được lựa chọn?
Xuất hiện trong dàn nhạc dân gian, những chiếc thìa thực sự là một đồ dùng trong nhà bếp của người Nga từ xa xưa. Chúng được làm từ nhiều loại gỗ như bạch dương, thích và tần bì. Không rõ chính xác thìa gỗ được dùng làm nhạc cụ từ khi nào nhưng chúng xuất hiện trong những tài liệu cổ từ thế kỷ 13. Một số nhà sử học lại cho rằng thời điểm đó rơi vào khoảng cuối thế kỷ 18.
Nét khác biệt giữa những chiếc thìa này với thứ dùng trong bữa ăn hàng ngày của người Nga chính là độ bền. Để khiến chúng dẻo dai hơn, những người thợ thường chọn loại gỗ dày và cứng, như từ cây thích hoặc phong vàng. Mỗi loại gỗ lại tạo ra một âm sắc khác nhau.
Một trong những yêu cầu dành cho nhạc cụ của cổ động viên World Cup là chúng phải gắn với văn hóa của nước chủ nhà. Nước Nga có một danh sách dài nhạc cụ truyền thống, nhưng những chiếc thìa đứng đầu như một lẽ tự nhiên.
"Mỗi nước chủ nhà World Cup đều có một phụ kiện riêng cho cổ động viên: Nam Phi có vuvuzela, Mỹ có găng tay, Hàn Quốc có bóng đập còn Brazil có caxirola. Nhưng không có thứ gì ở Nga có thể dùng làm nhạc cụ quốc gia cho một người hâm mộ thể thao, mà lại mang màu sắc văn hóa đặc sắc của đất nước", Rustam Nugmanov chia sẻ trên Znak.
Nugmanov là một nghệ nhân làm nhạc cụ, người đề xuất biến những chiếc thìa thành biểu tượng của World Cup 2018. Ông nảy ra ý tưởng này từ năm 2010 khi đang ở Zurich (Thụy Sĩ), nhận tin Nga chính thức trở thành nước chủ nhà của giải đấu.
"Ngay từ đầu chúng tôi đã loại những nhạc cụ bộ hơi để tránh thu hút làn sóng chỉ trích như với vuvuzela trong kỳ World Cup tại Nam Phi. Tiếp đó, những nhạc cụ cồng kềnh khó dùng như đàn balalaika hay accordion, nhạc cụ bộ dây như gusli, gudok, đàn tam thập lục cimbalom và một số loại khác", ông nói.
Tuy nhiên, Nugmanov vấp phải một vấn đề: thìa gỗ không hề quen thuộc với đa số người Nga hiện nay.
Thìa gỗ hiện nay chỉ xuất hiện trong những tiết mục biểu diễn âm nhạc truyền thống của người Nga. Video: Русский Народный Канал Жар Птица/YouTube.
Ý tưởng được Tổng thống Putin phê duyệt
Theo mức độ phức tạp của một bản nhạc cũng như sự khéo léo của người chơi, họ có thể tùy ý lựa chọn lượng thìa mình sẽ cầm trên tay, con số căn bản là 2. Tuy nhiên, những ai mới nhập môn gõ thìa cũng có thể mất nhiều thời gian để làm quen, bởi họ phải học kỹ năng giữ cặp thìa điêu luyện giữa những ngón tay.
Ngay cả người Nga cũng không có tài bẩm sinh với nhạc vụ này. Ngày nay, những chiếc thìa chỉ xuất hiện tại quầy lưu niệm bán cho khách du lịch - những người hiếm khi hiểu hết công dụng thực sự của những chiếc thìa được tô vẽ tỉ mỉ.
Nugmanov đã tính đến trở ngại này. Ông phát minh ra một tay cầm bằng cao su giúp người chơi có thể gõ thìa thuần thục. Tay cầm cao su kết hợp với một cặp thìa tạo thành hình chữ V như một biểu tượng cho chiến thắng (Victory).
Tổng thống Nga Putin đã phê duyệt ý tưởng của Nugmanov, và thưởng cho ông một triệu rúp (khoảng 17.000 USD). Các nhà thiết kế công nghiệp và hoạch định được mời tham gia dự án những chiếc thìa chiến thắng từ tháng 10/2017. Bên cạnh đó, một loạt khảo sát khoa học và tâm lý xã hội cũng được thực hiện khi những chiếc thìa gỗ chính thức ra mắt trước thềm World Cup.