Lời đề nghị gửi hình chụp bác sĩ nhận phong bì của bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi mọi người cùng đồng hành chống lại sự xuống cấp về y đức khiến dư luận nổi sóng.
Giải pháp này được nhiều bạn đọc nhận định là không thể thực hiện được. Bởi như lời độc giả Vanha, việc yêu cầu gửi ảnh bác sĩ nhận phong bì chẳng khác nào kiểu mất trộm đến trình báo công an thì buộc phải cung cấp ảnh tên trộm. Như vậy thì công tác quản lý, giám sát của cơ quan chuyên ngành ở đâu?
Theo như bạn đọc Minh Trung, việc đưa phong bì đã như “luật bất thành văn”, không có thì không nhận được sự chăm sóc chu đáo, tận tình của đội ngũ y tế. Thực tế này rất nhiều người dân đã từng gặp phải.
Hình minh họa. Nguồn: Internet |
Đã đi viện thì ai cũng mong người nhà được cứu chữa kịp thời và trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” đó thì không ai đủ bình tĩnh để nhớ ra việc chụp hình như lời bạn Huỳnh Vinh chia sẻ. Chưa kể sau đề nghị này của bộ trưởng thì sẽ rất khó cho người dân có thể chụp lại hình bác sĩ nhận phong bì vì sẽ có sự cảnh giác cao độ hơn.
Việc đưa phong bì cho bác sĩ không hẳn là xấu khi theo lời bạn Lê Thúy An, xét về mặt tích cực thì đó là một hình thức biểu hiện sự cảm ơn. Nhưng điều quan trọng là “bác sĩ phải làm tròn trách nhiệm của lương y, dù có phong bì hay không vẫn phải làm tròn trách nhiệm đối với bệnh nhân, chứ không phải phân biệt bệnh nhân này với bệnh nhân khác”.
Một ý kiến khác được bạn đọc Vương Anh Quân đưa ra khi lý giải cho cả 2 hành động đưa và nhận phong bì: người đưa phong bì thì muốn tốt cho bệnh nhân, còn bác sĩ nhận thì có thể để “bù đắp” cho chi phí khi xin vào bệnh viện này làm.
Tuy nhiên hiện tượng này đã bị biến tướng khi nhiều bạn đọc phản ánh rằng nó có thể làm thay đổi hoàn toàn thái độ của bác sĩ khi chữa bệnh, như câu chuyện của bạn đọc Anh Tùng đã chia sẻ: “Tôi có một người anh bị tai nạn giao thông phải mổ mà khi đưa vào các bác sĩ thờ ơ, tới khi đưa phong bì thì nhanh lắm”.
Cũng chính vì trở ngại trên nên việc chống lại vấn nạn bác sĩ nhận phong bì không thể nào chỉ đơn giản bằng hình thức chụp hình. Đây được xem là vấn đề y đức của đội ngũ y tế mà chính cơ quan quản lý chuyên ngành phải kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm. "Chữa một căn bệnh thì trước hết bản thân người bệnh phải phát hiện và quyết tâm trị thì mới khỏi”, độc giả Vanha nói.
Chưa kể thành phần người đi nuôi bệnh rất đa dạng, với những người xuất thân từ nông dân, chân lấm tay bùn, không sử dụng điện thoại thì làm sao có thể ghi lại được bằng chứng?
Trong trường hợp nếu có ghi lại được hình ảnh bác sĩ nhận phong bì thì sẽ gửi cho ai, ở đâu và gửi như thế nào và hướng xử lý ra sao cũng là điều được nhiều bạn đọc thắc mắc.
Trên hết, điều mà độc giả mong muốn chính là những biện pháp phù hợp từ chính cơ quan quản lý, điều hành ngành y tế để chấn chỉnh lương y, đạo đức nghề nghiệp của các y, bác sĩ. Đừng mong đợi người dân tự nguyện đấu tranh chống tiêu cực trong điều kiện bất khả kháng như thế.
Diễm Phương
Chia sẻ câu chuyện của bạn về khám chữa bệnh tại đây.