Ông Tào Hữu Phùng: "Chúng tôi cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ". |
- Tại sao các đại biểu lại tỏ ra bức xúc về vấn đề này như vậy, thưa ông?
- Chủ yếu họ đại diện cho lợi ích của doanh nghiệp mà lên tiếng. Đây cũng là tiếng nói của một nhóm cử tri. Nhưng như vậy là hơi một chiều, và đã quên mất lợi ích nhà nước. Tôi san sẻ với suy nghĩ của Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng rằng nhiều đại biểu chưa thông cảm với Chính phủ. Bây giờ ngân sách bội chi lớn, nợ đến hạn phải trả nhiều, nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đang cấp bách mà ai cũng yêu cầu được giảm thuế thì nhà nước lấy đâu tiền mà chi.
Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng: Đại biểu chưa thông cảm với Chính phủ, chỉ phát biểu vì lợi ích cục bộ của doanh nghiệp. Có vị còn chưa hiểu thuế giá trị gia tăng là gì, nên đòi giảm còn 0%. Thuế không thu như vậy thì lấy đâu mà hoàn. Mức 5% thấp nhất mà Chính phủ đề nghị cũng chỉ là tạm thời, tới đây phải đưa hết về một mức 8-10%. Doanh nghiệp lỗ thì giải thể, hoặc tổ chức lại sản xuất, không thể cứ khó khăn thì xin giảm thuế. Làm ăn như mía đường hiện nay, có miễn thuế thì khi mở cửa vẫn chết.- Song thực tế là nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn với biểu thuế hiện nay?
- Khó khăn thì họ phải cố gắng chứ sao trông chờ mãi vào bù lỗ. Doanh nghiệp phải cải tiến quản lý, tổ chức sản xuất để tăng sức cạnh tranh. Nếu tiếp tục bảo hộ vô điều kiện, để chi phí sản xuất cao như hiện nay - trung bình hơn 3% so với mức chung ASEAN, chất lượng hàng hóa dịch vụ kém, thì khi hội nhập chính doanh nghiệp sẽ chết. Lúc đó ngân sách cũng chẳng còn gì để mà thu. Theo tôi phải thúc ép doanh nghiệp đổi mới.
Điều chỉnh thuế lần này là giảm nhiều rồi. Kéo mức thuế VAT từ 20% xuống 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp từ 32% giảm xuống 28%, chỉ vậy thôi ngân sách đã hụt thu 2.700 tỷ đồng.
- Vậy làm thế nào để ép doanh nghiệp đổi mới, tăng sức cạnh tranh?
- Đầu tiên là nhà nước tạo điều kiện. Như cung cấp tín dụng ưu đãi, thu thuế ở mức vừa phải để khuyến khích doanh nghiệp tích tụ vốn, tái đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ. Vấn đề này hiện rất bức xúc, như Hà Nội và TP HCM chỉ có 25% doanh nghiệp có trình độ khoa học, công nghệ hiện đại, còn lại không đủ đáp ứng yêu cầu, vì vậy 90% sản phẩm làm ra không có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Thứ hai là có biện pháp mạnh đẩy doanh nghiệp vào thị trường cạnh tranh như chấm dứt bao cấp, bù lỗ. Luật Doanh nghiệp nhà nước Quốc hội thảo luận mấy ngày tới sẽ sửa đổi theo hướng phân định rõ loại nhà nước cần nắm giữ toàn bộ vốn, loại hoạt động theo mô hình công ty bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Làm vậy để tránh tình trạng ỷ lại, trông chờ vào nhà nước.
- Ủy ban Kinh tế ngân sách đánh giá thế nào về dự thảo sửa đổi luật thuế của Chính phủ?
- Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều lần về việc sửa đổi 3 luật thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, và thu nhập doanh nghiệp. Ban đầu Ủy ban Kinh tế ngân sách và Chính phủ có những điểm chưa thống nhất. Nhưng tới dự thảo trình Quốc hội hôm nay thì ổn thỏa rồi. Chỉ còn một số vấn đề nhỏ chúng tôi cho rằng cần điều chỉnh, như thuế với kinh doanh sân golf, bia cần giảm xuống một chút. Hay đề xuất của Chính phủ là giao Ủy ban Thường vụ quyền điều chỉnh thuế suất cùng danh mục hàng chịu thuế, chúng tôi thấy đây là quyền hiến định của Quốc hội thì phải để Quốc hội làm.
- Nếu 3 luật thuế sửa đổi được thông qua thì bao giờ điều chỉnh tiếp chính sách thuế?
- Cải cách thuế bước 2 thì phải 3-5 năm nữa mới tính tiếp.
Nghĩa Nhân thực hiện