Thứ nhất, quê chồng tôi ở Lâm Đồng, vợ chồng làm việc và sinh sống ở Sài Gòn, xác định sau khi cưới sẽ mua nhà Sài Gòn chứ không tiếp tục ở trọ nữa vì muốn con cái sau này có cuộc sống tốt hơn. Sau khi cưới, không có lý do gì chúng tôi phải nhường cơ hội mua nhà lại để tiền cho chị chồng làm ăn. Thực chất sau này tôi biết được là chị chồng đang mượn tiền chúng tôi để trả nợ cá độ cho chồng chị ấy, không phải làm ăn kinh doanh gì ở đây. Với lại toàn bộ tiền cưới là chúng tôi tự bỏ ra từ A-Z, sau khi cưới số tiền bên nội mừng, chúng tôi đều cho lại ba mẹ chồng; còn nhà tôi cho con cái hết không lấy gì, thậm chí cho thêm.
Trước khi cưới, tôi về quê anh chơi và tình cờ được biết nhà hàng xóm bán đất, tôi thấy tiềm năng nên mua lại và không ngần ngại cho anh đứng tên. Tôi thấy anh là người đáng tin cậy nên không suy nghĩ nhiều. Sau đó lúc bán để mua nhà Sài Gòn, ba mẹ chồng cứ nghĩ đó là tiền của anh dù anh đã nói là tiền tôi rồi. Ông bà đi nói với hàng xóm là cho chúng tôi bán đất lên Sài Gòn mua nhà. Điều này chồng tôi là người rõ nhất nhưng mong tôi thông cảm vì ông bà già rồi, nói gì kệ, miễn anh hiểu là được. Khi mua nhà là hoàn toàn nằm trong khả năng của tôi vì thu nhập cả hai chúng tôi lúc đó cộng lại hơn 100 triệu đồng mỗi tháng, vì thế hàng tháng trả một ít không hề ảnh hưởng tới tài chính của chúng tôi. Bằng chứng là chưa đầy một năm tôi đã gom góp để trả hết nợ.
Thứ hai, cha mẹ chồng tôi có bốn người con và chỉ biết đọc biết viết là ngưng để đi làm kiếm tiền với phụ việc nhà. Trong khi nhà chồng tôi kinh tế lúc đó không tới nỗi tệ, nhưng vẫn tư tưởng học nhiều không để làm gì, rồi sau cũng đi làm thuê. Vì thế chồng tôi đã nghỉ học từ lúc lớp bốn chuyển qua lớp 5, từ đó anh ở nhà phụ cha mẹ, mấy năm sau thì phụ này nọ cho người khác kiếm tiền đưa cho ông bà. Ông là người gia trưởng, rượu chè và cờ bạc. Nhiều lần chồng tôi cùng với chị em khác phải góp tiền cho ông trả nợ.
Vì thế trước khi quen tôi, anh không hề có khoản tiết kiệm nào. Tôi quen anh vì thấy anh chịu thương chịu khó. Đợt đó chúng tôi làm chung nên quen nhau, tôi đưa anh đi gặp những người cùng ngành cho anh mở mang tầm mắt, đưa anh đi học thêm các khóa kỹ năng mềm, dạy anh sử dụng máy tính này nọ để có thể tiến xa hơn trong công việc. Không uổng công tôi, sau đó anh đã có sự thăng tiến hơn trong công việc.
Anh thay đổi tốt hơn từng ngày nhưng ở công ty ai cũng nghĩ anh mãi chỉ là cái bóng của tôi. Tôi thấy anh buồn nên chuyển chỗ làm mới cho anh đỡ thấy tự ti. Quyết định này tới giờ tôi vẫn thấy quá đúng khi sau đó công việc của anh và tôi đều rất tốt. Trước khi quen tôi, thay vì anh chỉ có khoản nhỏ lẻ trả nợ cho ba chồng thì giờ anh gửi về nhà nhiều hơn, ba mẹ anh rất vui và tự hào về anh.
Thứ ba, khi con tôi bệnh nặng, tôi đã nghĩ phải cứu con bằng mọi giá, lúc đó tài khoản của vợ chồng tôi có tầm hai tỷ đồng. Bác sĩ nói nếu muốn đưa ra nước ngoài chữa cần chuẩn bị ít nhất năm tỷ đồng. Lúc đó đang dịch Covid 19, tôi ở Hà Nội đưa con đi bệnh viện này bệnh viện kia, còn chồng ở Sài Gòn để lo tiền. Chúng tôi tính bán nhà luôn chứ không phải vay ngân hàng nữa để tôi dùng tiền lo cho con, tính không vay nữa. Chồng tôi mới nói vay ông bà và mọi người xung quanh thử. Còn về phía cha mẹ và em trai tôi chỉ nói: "Không cần biết tốn bao nhiêu tiền, có phải bán nhà cửa hay bất cứ thứ gì cũng phải cứu con bằng được". May lúc đó tôi có một chỗ dựa là gia đình mình nên đã không bị đánh gục, khi mấy lần trong cả giấc mơ tôi còn tính ôm con tự tử nếu con có mệnh hệ gì.
Thực sự tôi rất may mắn khi đã không bỏ cuộc, vào tới Sài Gòn sếp tôi nhờ được một bác sĩ chuyên trị bệnh này. Bác nói không hứa trước nhưng sẽ cố gắng hết sức, khiến tôi có thêm chút hy vọng. Bác nói có những bé bị vậy, sau qua được vẫn phát triển và khỏe mạnh bình thường. Đúng là kỳ tích, con tôi đã vượt qua được, đó là khoảng thời gian tôi không bao giờ quên.
Thứ tư, tôi không lấy chồng vì tham tiền, bởi trước đó với thu nhập và mối quan hệ của mình thì tôi vẫn luôn tự tin. Chồng tôi là người từng trải và đi làm sớm nên anh có vẻ già trước tuổi. Khi về nhà anh, anh cũng nói với tôi là đừng nói thu nhập của tôi cho cả nhà, cứ nói tầm 10 triệu đồng gì đó thôi. Sau này tôi mới hiểu là nói càng nhiều thì bị xin nhiều hơn. Bằng chứng là sau khi cưới, ba chồng đánh bạc gây nợ 50 triệu đồng, gọi điện lên xin vợ chồng tôi, còn dọa nếu không cho thì bán đất đi. Hiện tại thu nhập của anh chưa bằng một nửa của tôi nhưng tôi vẫn không bao giờ để anh phải mất mặt trước bất kỳ ai, bởi tôi nói với mọi người là lương anh cao hơn tôi.
Chồng tôi có một lần đột quỵ và sau đó khỏe lại anh đã viết luôn giấy từ chối tài sản, sợ lỡ anh có chuyện gì nữa thì nhà anh sẽ tranh giành với mẹ con tôi. Như thế tôi đã biết mình không chọn sai người. Hiện tại mỗi dịp lễ quan trọng tôi vẫn về nhà anh. Tôi ít nói chuyện vì tính thẳng thắn, không ưa nịnh nọt nên không được lòng ông bà. Ông bà vẫn không thay đổi khi chúng tôi về nhà ngày nào cũng thấy ông nhậu từ sáng tới tối, hát inh ỏi cả nhà khiến chúng tôi và con tôi không được nghỉ ngơi. Còn về chuyện phụng dưỡng, mỗi tháng tôi chuyển tiền cho ông bà, sau đó mới nói với anh, hoặc ông bà đau ốm tôi gửi nhiều hơn, dịp lễ lạt gì tôi không quên gửi quà cáp. Tôi cảm nhận được ông bà chỉ cần tiền của chúng tôi chứ tình cảm gia đình rất ít, vì thế tôi ít về chứ không phải là bỏ mặc.
Còn đối với hai đứa con của hai người chị sau ly hôn, vì không còn được chồng chu cấp nên cuộc sống cũng không mấy khá. Đầu năm học tôi vẫn gửi một ít coi như góp học phí cho cháu. Toàn bộ là tôi tự làm, làm xong tôi mới nói với chồng. Tôi luôn quan niệm vì chồng mà cố gắng để mắt nhắm mắt mở bỏ qua khi có thể. Nói về chuyện quá khứ, tôi có thể tạm gác lại một bên chứ không thể bỏ qua, nó là vết thương còn mãi trong tôi. Sau này ai bảo tôi lạnh nhạt, vô tâm, ích kỷ, tôi cũng chịu vì chưa thể bao dung mà tha thứ được.
Nguyệt Như
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc