Vượt khỏi dự đoán của các bộ ngành rằng "giá sẽ hạ nhiệt khi có nhiều biện pháp cấp bách từ Chính phủ", giá tiêu dùng tháng 5 tăng hơn tháng trước 3,91%, được coi là tháng có mức tăng kỷ lục trong những năm gần đây, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Nhận xét rằng việc giá lương thực, thực phẩm tăng tới 22,17%, nhóm hàng dịch vụ tăng 7,25% gây khó khăn lớn cho đời sống người dân, đặc biệt là cán bộ thu nhập từ lương, đại biểu Mai Ánh Tuyết chất vấn: "Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Bộ trưởng giải thích việc này như thế nào?"
Không phủ nhận lạm phát tăng cao trong tháng 5, song Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng các giải pháp kìm chế của Chính phủ bắt đầu phát huy tác dụng. Ông Ninh cũng nêu ý kiến, muốn kìm chế giá lương thực thì cả hệ thống chính trị vào cùng làm, không riêng gì Bộ Tài chính.
Đề cập tới giải pháp kìm chế giá, ông Bộ trưởng khẳng định: "Chúng ta thực sự không thể bao cấp giá, ngân sách không gánh mãi được, lại nảy sinh buôn lậu ra nước ngoài. Tuy nhiên, không phải nói vậy có nghĩa là điều chỉnh giá lên hàng loạt. Việc điều chỉnh giá phải có lộ trình thích hợp, đảm bảo tác động thấp nhất đến đời sống nhân dân". Nhà nước sẽ tiếp tục chi bù lỗ để kìm giá các mặt hàng thiết yếu.
Nhằm đối phó với các yếu tố bất lợi như thiên tai, dịch bệnh, Bộ Tài chính sẽ đề nghị Chính phủ cho tăng mua dự trữ hàng hóa trong đó có hàng hóa để phòng chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai. Chính phủ đã cho phép xuất thêm tiền để đến cuối năm sẽ có trên 200.000 tấn lương thực dự trữ.
Các tập đoàn kinh tế không thay đổi tư duy và hoạt động, thực chất là "bình mới rượu cũ" là ý kiến của đại biểu Đặng Văn Lợi. "Tôi muốn biết tình hình hoạt động của các doanh nghiệp này như thế nào?"- ông Lợi hỏi.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân bổ sung: "Việc các tập đoàn đua nhau đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng... có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nguồn vốn Nhà nước. Vậy làm thế nào để các tập đoàn này hoạt động đúng hướng?"
Bộ trưởng Tài chính cho biết vốn đầu tư mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ra bên ngoài vẫn trong tầm kiểm soát và chưa đến mức nguy hiểm. Chính phủ không khuyến khích các tập đoàn đầu tư vào quá nhiều lĩnh vực nhất là các quỹ đầu tư mạo hiểm hay các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Bộ Tài chính cũng đang xây dựng quy chế về tỷ lệ huy động vốn. Nếu các doanh nghiệp vượt qua ngưỡng khống chế này sẽ phải xin phép. Doanh nghiệp Nhà nước phải có trách nhiệm bảo toàn nguồn vốn Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Vũ Văn Ninh ngoài hành lang Quốc hội. Ảnh: V.Anh. |
Đại biểu Đặng Như Lợi quan tâm tới số tiền Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã sử dụng để mua chứng khoán. "Tôi muốn biết SCIC đã bỏ bao nhiêu tiền cho việc mua vào cổ phiếu, mục đích mua vào là gì và lãi lỗ ra sao?".
Theo ông Ninh, kinh doanh chứng khoán cũng thuộc chức năng nhiệm vụ của SCIC. Hơn nữa, SCIC có nhiệm vụ quản lý phần vốn Nhà nước tại một số tổng công ty, do đó, khi thị trường chứng khoán đi xuống, có cổ phiếu giảm nhiều so với giá trị, tổng công ty phải làm nhiệm vụ mua vào để bảo toàn nguồn vốn Nhà nước và trấn an tâm lý nhà đầu tư. "Còn việc SCIC có lỗ vốn trong vụ mua cổ phiếu hay không theo tôi cần phải tính toán trong một giai đoạn nhất định chứ không thể nói ngay được", ông Ninh nói. Con số lỗ lãi, ông Ninh xin phép không tiết lộ.
Tuy là câu chuyện không mới nhưng tại phiên chất vấn này một lần nữa câu chuyện liên quan đến giá xe và chính sách thuế ôtô cũng được đề cập. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân đặt vấn đề: "Tại sao người dân VN luôn phải mua xe với giá cao mà chất lượng không tốt?"
"Trong những kỳ họp trước, Bộ Tài chính khẳng định sẽ giảm thuế nhập khẩu ôtô vì không thể mãi hy sinh quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Tài chính giải thích như thế nào về những lần tăng thuế nhập khẩu ôtô vừa qua, ai được lợi từ những đợt tăng thuế này?", đại biểu Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận: "Đúng là giá xe của Việt Nam có cao so với thu nhập của đại bộ phận quần chúng, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều nếu so sánh với nước lân cận là Singapore. Một chiếc xe nếu được lăn bánh ở Singapore sẽ phải gánh rất nhiều các khoản chi phí".
Ông Ninh cho hay chính sách thuế của Bộ Tài chính được xây dựng dựa trên chiến lược phát triển nền công nghiệp ôtô năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Bộ Công Thương xây dựng và được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu bảo hộ sản xuất trong nước và chống xe nhập khẩu. Do vậy, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xe hơi luôn giữ ở mức cao trong thời gian dài.
Năm 2007, VN gia nhập WTO với những cam kết về thuế, cộng thêm một số thành tựu mà nền công nghiệp ôtô đã đạt được nên Bộ Tài chính giảm thuế để tạo điều kiện để người dân có cơ hội mua ôtô. Bước sang năm 2008 nhất là những tháng gần đây, VN đối mặt với các vấn đề lạm phát, nhập siêu. Mọi nguồn lực đất nước đều tập trung vào hai vấn đề này... dù ôtô không nằm trong rổ hàng hóa để tính chỉ số CPI, song vẫn là mặt hàng tiêu dùng không khuyến khích. "Đây là lý do khiến chúng tôi tăng thuế để điều tiết lại thị trường. Hơn nữa, ôtô không phải là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho nông dân và chỉ 1% dân số VN có điều kiện đi xe hơi. Chúng tôi mong đại biểu và nhân dân ủng hộ", ông Ninh nhấn mạnh.
Câu hỏi gây bất ngờ cho ông Ninh do một đại biểu Gia Lai nêu ra: "Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay hệ thống ngân hàng đang vay lãi kho bạc một khoản tiền khá lớn để kinh doanh. Việc làm này có đúng nguyên tắc, và đây có phải là lý do khiến ngân hàng phát triển nóng đẩy lạm phát lên cao?"
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định: "Không có chuyện các kho bạc cho ngân hàng thương mại vay vốn kinh doanh". Ông Ninh giải thích, lâu nay ở các kho bạc luôn tồn tại một khoản vốn thường xuyên luân chuyển nằm tại ngân hàng. Khoản tiền này được gửi tại ngân hàng Nhà nước chứ không cho vay lấy lãi. Bởi không ít địa phương chưa có chi nhánh ngân hàng Nhà nước, khoản tiền phải gửi ở chi nhánh ngân hàng thương mại để tiện cho việc chi tiêu. "Khoản tiền này chúng tôi xin khẳng định chỉ là gửi và lấy chút chi phí chứ không tính lãi", ông Ninh nói thêm.
Hồng Anh