Cuối tháng 10, ông Lương Quang Minh, giáo viên Toán trường THPT TP Sa Đéc, Đồng Tháp để lộ ảnh nhạy cảm lúc dạy trực tuyến lớp 11. Bức ảnh phần ngực không có trang phục của một phụ nữ tồn tại vài phút trong lúc ông loay hoay tìm một thông tin để chia sẻ với học sinh. Cũng tại Đồng Tháp, trước đó, ông Châu Trung Hậu, giáo viên tiếng Anh, trường THPT TP Cao Lãnh để lộ hình ảnh video quay lén các nữ công nhân đang tắm, khi dạy online. Sự cố xảy ra khi ông chia sẻ màn hình máy tính cá nhân cho cả lớp. Video nhạy cảm nằm trong đoạn chat giữa ông Hậu và một đồng nghiệp cùng trường.
Đây là hai sự cố mới nhất các nhà giáo gặp phải trong quá trình dạy trực tuyến. Dù đã có thời gian làm quen, nhiều giáo viên vẫn loay hoay với công nghệ, chưa thuần thục các thao tác cơ bản.
Cô Thu Lan, 48 tuổi, dạy Sử tại một trường THCS ở Hòa Bình sau hơn một năm vẫn chưa tự tin. Lúc mới tiếp cận, cô phải nhờ giáo viên trẻ ở trường cài giúp phần mềm Zoom. Dù đã được hướng dẫn đặt tên, tạo phòng, cô Lan vẫn "nhớ nhớ quên quên". "Đồng nghiệp phải lưu sẵn mọi thứ, để đến giờ học tôi chỉ bấm một cái sẽ vào được phòng", cô kể.
Giải quyết xong phần "đăng nhập", cô giáo hơn 20 năm trong nghề liên tiếp gặp sự cố khác. Vì không thiết lập quyền phê duyệt người truy cập, lớp của cô Lan bị người lạ quấy rối. Lần đầu tiên gặp trường hợp này, cô giáo 48 tuổi hoảng hốt, cuống đến mức rời khỏi phòng, nhanh chóng tắt máy tính. Tuy nhiên, khi bật máy, truy cập lại vào lớp học, cô ngạc nhiên vì người lạ vẫn ở đó. Cô Lan buộc phải nhắn tin vào nhóm Zalo của lớp, thông báo hoãn buổi học.
Với môn Lịch sử, khi dạy trực tiếp, cô thường vẽ sơ đồ tư duy để học sinh nắm được vấn đề và theo dõi các mốc thời gian sự kiện. Bản thân cô đã quen với cách giảng cùng chiếc sơ đồ bên cạnh. Thế nhưng khi dạy online, muốn vẽ được sơ đồ, cô phải dùng thành thạo Word hoặc PowerPoint, vốn là việc "khó trăm bề".
Không có sơ đồ, cô giáo cảm giác giờ học thiếu sinh động, học sinh khó theo dõi bài và nắm bắt các mốc thời gian. Cuối cùng, cô quyết định vẽ bằng tay ra giấy, chụp lại rồi gửi trước mỗi tiết học.
So với các tỉnh, thành lân cận, cô Lan cảm thấy may mắn khi Hòa Bình phải học trực tuyến ít hơn. Hiện, cô và trò vẫn đang học tại trường. "Dù sẵn sàng tâm thế phải chuyển về học online bất cứ lúc nào, tôi vẫn luôn bất an. Học online vốn đã không đạt chất lượng như trực tiếp, tôi lại không thạo công nghệ, giờ học sẽ không hấp dẫn", cô nói.
Giống như cô Lan, thầy Hoàng, 52 tuổi, giáo viên Vật lý một trường trung học ở ngoại thành TP HCM nhiều lần "đánh vật" với các tiết học trực tuyến. Được tiếp cận máy tính muộn, trình độ vi tính của thầy chỉ ở mức "văn phòng", tức biết gõ Word và làm PowerPoint đơn giản.
"Năm ngoái, khi trường chuyển sang dạy trực tuyến, tôi phải nhờ đứa cháu học ngành máy tính tập huấn gấp. Theo chỉ dẫn của trường, nó giúp tôi cách mở lớp trên ứng dụng dạy học, cách trình chiếu, đóng mở mic hay camera", thầy Hoàng kể.
Trước khi lên lớp, thầy cũng tập nhiều lần sao cho lời giảng và các slide khớp nhau. Tuy vậy, buổi đầu tiên thầy bị "cháy giáo án". Những lần sau, thầy vừa khắc phục được lỗi này thì vướng vào rắc rối khác. Trong các tiết giải bài tập, thầy thường gửi file chụp đề trắc nghiệm để học trò dễ xem. Tuy nhiên, vì lưu file bài tập trên desktop lẫn lộn với nhiều hình ảnh, tài liệu khác nên thầy gửi nhầm.
"Phải hai lần gửi nhầm mấy tấm ảnh gia đình, cá nhân, tôi mới gửi đúng file đề bài. Gửi nhầm rồi mà không biết thu hồi ra sao, đành nói với học sinh thông cảm", thầy kể. Có lần, đang giảng bài trực tuyến, một số người quen chat Zalo khiến ứng dụng nhảy, báo tin nhắn liên tục. Cảm thấy khó chịu nhưng vì không biết cách tắt, thầy phải trả lời "tôi đang dạy học".
Sau những rắc rối này, thầy được cháu "tập huấn thêm khóa nữa" về cách lưu file khoa học theo thư mục, cách tắt báo hiệu ứng dụng. "Được chỉ xong mới thấy mấy cái này cực đơn giản, thao tác nhiều thì quen thôi. Nhưng nếu không rành lại rất phiền phức", thầy nói.
Theo thầy Hoàng, sự cố mà các đồng nghiệp ở Đồng Tháp gặp phải khi dạy trực tuyến có thể tương tự mình khi gửi nhầm file hoặc vừa dạy, vừa chat gây lộ tin nhắn riêng. Qua sự việc trên, thầy càng cẩn thận khi sử dụng, sắp xếp tài liệu dạy học và cá nhân để tránh nhầm lẫn.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương, giảng viên khoa Công nghệ thông tin - Giáo dục nghề nghiệp, Cao đẳng Sư phạm Trung ương, đánh giá những trường hợp như cô Lan, thầy Hoàng không phải hiếm. Với kinh nghiệm tập huấn phương pháp dạy online và sử dụng, giới thiệu các phần mềm, cô Phương chia các giáo viên thành hai nhóm theo năng lực sử dụng công nghệ thông tin.
Nhóm một là những giáo viên lớn tuổi, thường ngoài 40, và những người ít được tiếp xúc với công nghệ. Ở nhóm này, thầy cô chưa thể làm chủ công cụ giảng dạy và thường xuyên gặp khó khi dạy online. Họ cũng không rành tiếng Anh, không thành thạo việc tra cứu, nên không thể tự khắc phục các vấn đề kỹ thuật dù rất nhỏ.
Nhóm còn lại là những giáo viên có trình độ hơn, thường là người trẻ tuổi. Mục tiêu của họ không chỉ là giờ dạy suôn sẻ mà còn muốn tạo những hoạt động thú vị, tăng tương tác với học sinh.
Cô Phương cho rằng, để làm chủ công nghệ, người dùng phải tự tiếp cận và thay đổi. Người hướng dẫn chỉ đóng vai trò truyền động lực, kinh nghiệm.
Trong những buổi tập huấn, cô Phương dành nhiều thời gian để giáo viên chia sẻ những tình huống mình gặp phải. Chẳng hạn, khi bị người lạ quấy rối, cô Phương hướng dẫn tắt micro, khóa chat và kết thúc buổi học thay vì chỉ thoát khỏi phòng. Một số tính năng của Zoom như chia nhóm, chia phòng, ghi hình buổi học cũng cần được giáo viên tận dụng.
"Trục trặc, khó khăn khi dạy online thì vô vàn, giáo viên tại mỗi trình độ lại gặp những vấn đề khác nhau", cô Phương nói.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn hôm 11/11, nhiều đại biểu cũng cho rằng, hạn chế về kỹ năng của các giáo viên là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng dạy học trực tuyến. Đại biểu Dương Tấn Quân, Hội đồng Dân tộc, và đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, đều nhận định, nhiều giáo viên chưa được tập huấn công nghệ kỹ càng, chưa làm chủ máy móc và phương pháp dạy chưa phù hợp... Họ cho rằng, kế hoạch dạy và học trong điều kiện Covid-19 có thể còn kéo dài, Bộ cần đầu tư để giải quyết các bất cập này.
Bộ trưởng Giáo dục nhìn nhận, khi dịch đã ổn định, Bộ sẽ nghiên cứu để xây dựng nền tảng học trực tuyến mang tầm quốc gia.
Từ cuối tháng 9, Bộ đã tổ chức nhiều khoá tập huấn nâng cao năng lực dạy học trực tuyến, qua truyền hình cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tiểu học, trung học ở nhiều địa phương ở 63 tỉnh, thành phố.