Với sự giúp đỡ của Mỹ và đồng minh, Ukraine đã hiện đại hóa đáng kể lục quân, trang bị nhiều xe tăng, thiết giáp, tên lửa chống tăng, pháo binh và radar thế hệ mới. Lực lượng sẵn sàng chiến đấu của Ukraine hiện nay lên tới 150.000 binh sĩ, gần gấp ba quân số năm 2014, thời điểm chiến sự bùng phát ở miền đông nước này.
Nhưng những tiến bộ về lực lượng của quân đội Ukraine chỉ tập trung vào lục quân, trong khi không quân, vốn đóng vai trò rất quan trọng trong bảo vệ vùng trời, lại gần như bị bỏ bê. Nếu xung đột nổ ra với một cường quốc quân sự như Nga, không quân Ukraine sẽ nhanh chóng thất thế, khiến những vũ khí lục quân hiện đại được phương Tây hỗ trợ trở nên vô tác dụng, theo bình luận viên Brendan Cole của NewsWeek.
"Quân đội Ukraine tồn tại nhiều khoảng trống nghiêm trọng về năng lực tác chiến, đặc biệt trong lực lượng bảo vệ không phận. Không quân Ukraine không tham chiến trong xung đột ở vùng Donbass. Lực lượng thường xuyên thiếu ngân sách, bởi toàn bộ tiền của đều được dồn vào hiện đại hóa lục quân, khiến trang bị khí tài không quân đã quá lạc hậu", Gustav Gressel, chuyên gia nghiên cứu chính sách tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế châu Âu (ECFR), nhận xét.
Không quân Ukraine được thành lập từ năm 1991 với lực lượng máy bay tiếp quản từ không quân Liên Xô sau khi nước này tan rã. Kể từ đó, không quân Ukraine đã liên tục thu nhỏ quy mô do thiếu ngân sách, khiến phần lớn máy bay trong biên chế phải đưa vào niêm cất hoặc mất khả năng vận hành.
Ukraine đang sở hữu lực lượng không quân lớn thứ 27 thế giới và hạng 7 tại châu Âu với khoảng 120-200 máy bay các loại, chủ yếu nhờ khả năng bảo dưỡng của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa. Tuy nhiên, phần lớn khí tài trong lực lượng vẫn là phi cơ từ thời Liên Xô, không có tiêm kích mới nào được bổ sung trong suốt 30 năm qua.
Chủ lực của không quân Ukraine là 50 chiếc MiG-29, được biên chế cho Lữ đoàn không quân chiến thuật số 40 và 114. Bên cạnh đó là khoảng 32 chiến đấu cơ hạng nặng Su-27 thuộc Lữ đoàn số 831 và 39.
Lữ đoàn không quân chiến thuật số 7 đóng tại Starokostiantyniv đang vận hành khoảng 12 cường kích Su-24M và phiên bản trinh sát Su-24MR. Căn cứ này cũng là nơi triển khai phi đội 6 máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.
Lực lượng cường kích yểm trợ mặt đất của Ukraine gồm 17 chiếc Su-25 thuộc Lữ đoàn số 299 đóng gần Mikolaiv. Tất cả đều được trang bị hệ thống định vị mới, cùng hệ thống phóng mồi bẫy đánh lừa radar và tên lửa tầm nhiệt.
Phi đội vận tải cơ không quân Ukraine gồm 22 máy bay vận tải hạng trung An-26 và bảy vận tải cơ chiến lược Il-76 thuộc Lữ đoàn vận tải chiến thuật số 25.
Ngoài không quân, lục quân và hải quân Ukraine cũng có các đơn vị máy bay, vận hành trực thăng vận tải Mi-8, trực thăng vũ trang Mi-24 và UAV TB2.
Nhiều chương trình nâng cấp nội địa đã được tiến hành để bảo đảm năng lực chiến đấu cho không quân Ukraine, nhưng kết quả mang lại không thực sự rõ ràng. Bù lại, nước này vẫn có lượng lớn máy bay niêm cất và kho phụ tùng lớn, đủ sức khôi phục lực lượng trong trường hợp thiệt hại do tai nạn hoặc chiến đấu.
Ngoài đội bay lạc hậu, mức lương thấp và những vấn đề hành chính cũng ảnh hưởng tới năng lực chiến đấu của không quân Ukraine. Tờ Kyiv Post giữa năm ngoái cho biết 140 quân nhân, trong đó có nhiều phi công quân sự, đã xin xuất ngũ trong vòng hai năm trước đó.
Một phi công quân sự Ukraine cho biết chỉ tích lũy được 35-80 giờ bay mỗi năm, so với yêu cầu tối thiểu 180 giờ bay/năm của NATO.
Trong khi đó, chỉ riêng Quân khu miền Tây của Nga đã sở hữu hàng trăm tiêm kích, tiêm kích bom và cường kích. Đây là quân khu chịu trách nhiệm phòng thủ những đô thị chủ chốt như Moskva và Saint Petersburg, cũng là tuyến đầu trong mọi xung đột tiềm tàng với NATO, giúp lực lượng này sở hữu lưới phòng không không quân mạnh nhất của Nga.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng nếu cuộc khủng hoảng hiện nay bùng phát thành xung đột, không quân Ukraine sẽ khó lòng đưa các tiêm kích của mình lên bầu trời, ít nhất là ở khu vực miền đông đất nước.
Các hệ thống phòng không tầm xa như S-300 và S-400 trên lãnh thổ Nga có thể tạo ra vùng cấm với máy bay Ukraine, trong khi tiêm kích Su-35S, Su-30SM, Su-27SM3, MiG-29 và MiG-31 đủ sức khóa chặt không phận đối phương nhờ số lượng và tính năng vượt trội so với chiến đấu cơ Ukraine.
Vùng trời trống trải, không có lực lượng cản trở sẽ mở đường cho cường kích Su-24M2 và Su-34 Nga tấn công mục tiêu có giá trị cao, trong khi phi đội Su-25 đóng vai trò yểm trợ lực lượng mặt đất trong những cuộc giao tranh. Điểm mù của radar mặt đất có thể được giải quyết nhờ các máy bay cảnh báo sớm A-50 hoạt động trong không phận Nga.
Jim Townsend, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách châu Âu và NATO, nhận định khi một cuộc chiến tổng lực nổ ra, không quân Nga có thể phóng tên lửa vô hiệu hóa sân bay, cũng như tiêu diệt chiến đấu cơ Ukraine ngay trong những phút đầu giao tranh.
"Trong tình huống một đấu một, lính Ukraine đủ khả năng đối phó binh sĩ Nga. Vấn đề là quân đội Nga có thể chọc thủng những đoạn yếu nhất trong phòng tuyến đối phương nhờ ưu thế về không quân và tác chiến thông tin, cắt đứt khả năng liên lạc giữa các đơn vị Ukraine. Phía Nga có thể tùy ý chọn điều kiện chiến đấu và dồn lực lượng áp đảo vào vị trí, thời điểm thích hợp, sau đó cơ động hoặc rút lui khi cần", Townsend nói.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang suốt ba tháng qua, sau khi Mỹ, NATO cáo buộc Nga tập trung khoảng 100.000 quân cùng nhiều khí tài hiện đại ở sát biên giới nước láng giềng. Sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng, các bên vẫn chưa tìm ra giải pháp đột phá để tháo ngòi nổ, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột quy mô lớn.
Mỹ ngày 26/1 chuyển văn bản hồi đáp về các đề xuất an ninh của Nga, nhưng Moskva chưa đưa ra phản hồi. Nga đến nay chưa có bất cứ động thái nào cho thấy sẽ rút bớt lực lượng đang hiện diện ở ba mặt biên giới Ukraine.
Vũ Anh (Theo NewsWeek)