Nếu Mỹ xảy ra xung đột với một cường quốc trong tương lai, hệ thống vệ tinh GPS và các công nghệ điều hướng hiện đại khác nhiều khả năng sẽ là mục tiêu chính bị đối phương nhắm đến.
Các cường quốc quân sự như Nga và Trung Quốc nhiều năm qua đã phát triển các vũ khí có năng lực tiêu diệt vệ tinh trên quỹ đạo, cũng như có thể can thiệp, gây nhiễu tín hiệu vệ tinh bằng thiết bị tác chiến điện tử, nhằm thu hẹp khoảng cách về công nghệ với quân đội Mỹ.
Không thể sử dụng GPS sẽ là thách thức lớn với quân đội Mỹ, do lực lượng này sở hữu nhiều loại khí tài gần như phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ trên, đặc biệt là trong nhiệm vụ dẫn đường và nhắm mục tiêu.
Một trong những giải pháp đối phó mà không quân Mỹ đang phát triển là sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để điều hướng tại các môi trường bị chặn tín hiệu GPS. "Chúng tôi sẽ có thêm một lựa chọn trong trường hợp phải hoạt động tại những khu vực không có GPS", Garry Floyd, giám đốc chương trình nghiên cứu AI do không quân Mỹ và Viện công nghệ Massachusetts (MIT) hợp tác tiến hành, cho biết.
Năm ngoái, không quân Mỹ đã thử nghiệm sử dụng chương trình AI để điều khiển vận tải cơ C-17 dựa vào từ trường Trái Đất. Đây là phương pháp tương đối khó do tín hiệu điện từ ở môi trường xung quanh, bao gồm chính chiếc phi cơ, có thể gây ảnh hưởng tới quá trình điều hướng.
Dù vậy, ông Floyd cho biết trong cuộc thử nghiệm, chương trình AI đã học được cách nhận biết nên sử dụng tín hiệu nào để có thể hướng dẫn máy bay đi đúng đường.
Việc Mỹ quan tâm phương pháp sử dụng AI để dẫn đường thay GPS cho thấy lo ngại ngày càng tăng của Washington trước kịch bản phải tác chiến dưới điều kiện không có định vị vệ tinh trong tương lai.
Mỹ đã rút ra được nhiều bài học từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, nơi cả hai bên đang tích cực sử dụng thiết bị tác chiến điện tử và giả mạo tín hiệu GPS (kỹ thuật đánh lừa đối phương về vị trí của bản thân) để đánh chặn tên lửa, thiết bị bay không người lái (drone) hoặc khiến chúng bay chệch hướng.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm Bill LaPlante hôm 25/4 thừa nhận một loại đạn tầm xa mà Washington cung cấp cho Ukraine đã trở nên "vô dụng" trước các hệ thống tác chiến điện tử của Nga. Ông không đề cập tên loại đạn, song mô tả của quan chức này trùng khớp với Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB).
Ngoài ra, hàng loạt vũ khí dẫn đường bằng GPS hiện đại mà Mỹ cung cấp cho Ukraine như bom JDAM, đạn pháo Excalibur và rocket HIMARS cũng liên tục bắn trượt mục tiêu do bị Nga gây nhiễu.
Lầu Năm Góc từ lâu đã nghiên cứu các giải pháp nhằm khắc chế thiết bị tác chiến điện tử, như phát triển các đầu dò có khả năng kháng nhiễu, cũng như tìm kiếm những phương pháp không phụ thuộc vào định vị GPS để xác định tọa độ mục tiêu.
Tháng 8/2023, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết lục quân nước này đang "tái đầu tư vào việc xây dựng lại năng lực tác chiến điện tử chiến thuật sau khi hầu như bỏ bê suốt 20 năm qua", thêm rằng cuộc xung đột tại Ukraine khiến nhiệm vụ này trở nên "khẩn cấp" hơn.
AI là giải pháp nhiều tiềm năng và sử dụng nó làm phương pháp dẫn đường cho không quân không phải là dự án duy nhất của quân đội Mỹ về công nghệ này. Giới chức Mỹ giữa tháng trước thông báo đã tiến hành cuộc thử nghiệm mang tính bước ngoặt vào tháng 9/2023, trong đó lần đầu tiên tiêm kích F-16 do AI điều khiển tham gia không chiến trong điều kiện thực tế với máy bay có người lái.
Washington không công bố kết quả cuộc thử nghiệm vì lý do an ninh, song một quan chức cho biết chương trình AI được sử dụng đã "tiến triển tốt và nhanh hơn kỳ vọng".
Hôm 2/5, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall ngồi lên tiêm kích F-16 phiên bản do AI điều khiển, có tên Vista, để bay cạnh một chiếc F-16 có phi công trong khoảng một giờ. Trong quá trình bay, hai phi cơ liên tục thực hiện các động tác để đẩy chiếc còn lại vào thế khó, nhằm mô phỏng tình huống tác chiến thực tế.
Sau khi kết thúc hành trình, ông Kendall khẳng định đã trải nghiệm đủ để tin tưởng trao cho AI quyền quyết định khai hỏa vũ khí trong trường hợp xảy ra xung đột.
Tuy nhiên, việc tích hợp AI vào công nghệ quân sự cũng mang tới nhiều câu hỏi. Các chuyên gia về kiểm soát vũ khí và tổ chức nhân đạo lo ngại AI trong tương lai có thể tự động thả bom mà không cần xin lệnh con người, nên đang vận động để ban hành thêm các hạn chế với việc sử dụng công nghệ này.
Phạm Giang (Theo Business Insider, AP)