"Không quân Ấn Độ thông báo với Bộ Quốc phòng rằng họ sẽ không chi tiền cho hệ thống phòng không NASAMS-2 của Mỹ. Lực lượng này ưu tiên hệ thống tên lửa đạn đạo nội địa để bảo vệ các vị trí chiến lược khỏi mối đe dọa từ trên không, thay vì phải dựa vào khí tài Mỹ", các nguồn tin giấu tên trong chính phủ Ấn Độ cho biết hôm 21/7.
NASAMS-2 là hệ thống phòng không được Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt bán cho Ấn Độ trong hợp đồng trị giá 1,9 tỷ USD hồi tháng 2, ngay trước khi Tổng thống Donald Trump thăm nước này. Tuy nhiên, mức giá mà Washington đưa ra cao gấp đôi ước tính của Bộ Quốc phòng Ấn Độ khi thông qua kế hoạch mua NASAMS-2 hồi năm 2018.
Không quân Ấn Độ muốn theo đuổi giải pháp tiết kiệm hơn là Hệ thống Phòng thủ Đạn đạo hai lớp do Tập đoàn Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng của Ấn Độ tự phát triển, nhằm phù hợp với xu hướng cắt giảm chi tiêu quốc phòng của đất nước.
"Chính phủ Ấn Độ giờ đây sẽ phải quyết định theo đuổi quá trình đàm phán mua tên lửa Mỹ, hay dựa vào hệ thống nội địa", nguồn tin cho biết. New Delhi được cho là chưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Theo đuổi giải pháp nội địa dường như sẽ đáp ứng xu hướng cắt giảm chi tiêu quốc phòng của New Delhi những năm gần đây, đồng thời giảm khả năng không tương thích giữa NASAMS-2 với tên lửa S-400 mua của Nga và các sản phẩm do Ấn Độ tự phát triển.
Mỹ từng đề xuất bán hệ thống phòng không tầm trung NASAMS II để bảo vệ thủ đô New Delhi khỏi tên lửa đạn đạo, cũng như chào bán Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và tên lửa Patriot PAC-3 cho Ấn Độ nhằm ngăn nước này ký hợp đồng mua tổ hợp phòng không tầm xa S-400 của Nga.
NASAMS được coi là một trong những dự án vũ khí thành công nhất do Na Uy phát triển, cũng là hệ thống phòng không cố định duy nhất được triển khai trên lãnh thổ Mỹ, có trách nhiệm bảo vệ không phận thủ đô Washington. Hệ thống sử dụng tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, có tầm bắn khoảng 25 km và độ chính xác cao.
Phiên bản cải tiến NASAMS-2 tập trung nâng cấp cơ chế kiểm soát hỏa lực và tích hợp đường truyền dữ liệu Link-16, cho phép nó liên kết với nhiều hệ thống vũ khí của Mỹ và đồng minh. Điều này cho phép NASAMS-2 lấy tham số mục tiêu từ chiến đấu cơ khác mà không cần bật radar, tăng khả năng sống sót trước các biện pháp chế áp phòng không của đối phương.
Vũ Anh (Theo Sputnik)