Tại Hội thảo du học trực tuyến "Khác biệt để thành công", được Tổ chức Giáo dục Summit, đơn vị tư vấn du học Mỹ - Canada, tổ chức chiều 26/12, những học sinh vừa trúng tuyển đại học Mỹ và các chuyên gia tư vấn đã chia sẻ góc nhìn về xu hướng của mùa tuyển sinh sớm năm nay.
Trần Xuân Duy, trúng tuyển Đại học Fordham, cho biết so với các bạn dành nhiều năm để chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ, em chỉ có vài tháng. Do đó, để tối ưu hóa quá trình apply, em quyết định không thi SAT. Duy giải thích, vì không còn nhiều thời gian, em bắt buộc phải tập trung vào các yếu tố quan trọng khác.
Cùng lựa chọn như Duy, Nguyễn Hằng Giang, trúng tuyển Đại học Franklin & Marshall (top 42 đại học khai phóng Mỹ) quyết định không thi SAT để dành thời gian cho bài luận chính. Quan tâm đến các vấn đề của cộng đồng LGBT, Giang đề cập đến quyền của những người thuộc nhóm yếu thế này trong bài luận. Em cho rằng đây là vấn đề phức tạp, cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng nên đã dành cho nó toàn bộ thời gian vốn dành để ôn SAT.
Hồ sơ ứng tuyển vào các đại học Mỹ thường bao gồm điểm SAT/ACT, chứng chỉ tiếng Anh, thư giới thiệu, tờ khai tài chính, CV hay Portfolio tổng hợp những dự án xã hội, bài luận cá nhân. Trong đó SAT (Scholastic Assessment Test) là bài kiểm tra kiến thức tự nhiên, xã hội và tư duy logic, vốn được nhiều trường đại học, cao đẳng ở Mỹ sử dụng như một tiêu chí tuyển sinh. Tại Việt Nam, kỳ thi SAT được tổ chức 4-5 lần mỗi năm.
Từ năm ngoái, khi Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, hàng loạt cuộc thi chuẩn hoá bị hủy. Do đó, các đại học Mỹ đã đưa SAT, từng là tiêu chí không thể thiếu, ra khỏi danh sách bắt buộc trong hồ sơ du học.
Bà Trần Phương Hoa, sáng lập viên và Giám đốc Tổ chức giáo dục Summit, thành viên Hiệp hội tư vấn Du học quốc tế, cho biết, sự thay đổi yêu cầu về SAT đang được nhiều học sinh quan tâm, đặc biệt là những em có ít thời gian chuẩn bị hồ sơ.
Bà nhận định, khi SAT không còn là tiêu chí bắt buộc, các trường sẽ quan tâm hơn đến khả năng tiếng Anh của ứng viên thông qua điểm IELTS, TOEFL. Thực tế, nhiều học sinh sau khi trúng tuyển rất chật vật để theo được chương trình học, bởi ngoại ngữ không tốt. "Do đó, khi không còn SAT làm căn cứ, trường sẽ nhìn vào chứng chỉ tiếng Anh nhiều hơn. Đây cũng là yếu tố không thể bỏ trong hồ sơ", bà Hoa nói.
Với những học sinh không kịp thi IELTS hay TOEFL, bà cho rằng Duolingo là lựa chọn không tồi. Đây là kỳ thi mới, nhưng được chấp nhận ở hầu hết đại học Mỹ. Học sinh có thể thi Duolingo ngay tại nhà, thời điểm linh hoạt.
Trong trường hợp các yếu tố khác của hồ sơ chưa mạnh, học sinh vẫn muốn có điểm SAT, bà Hoa khuyên các em không nên đợi đến lúc gần hết hạn nhận đơn mới thi. Nếu dịch bệnh phức tạp và kỳ thi bị hủy, ứng viên rất bị động. Thay vào đó, theo bà, nên thi sớm khoảng một năm so với thời điểm apply, hoặc cân nhắc thi ACT (American College Testing - một dạng kỳ thi chuyển hóa khác giúp bộ phận tuyển sinh các đại học, cao đẳng Mỹ đánh giá và so sánh thí sinh) để thay thế. "Ngay cả khi đã đăng ký thi SAT, học sinh cũng nên thi cả ACT để chuẩn bị phương án B", chuyên gia 15 năm kinh nghiệm cho hay.
So với các năm trước, bà Hoa nhận định mùa tuyển sinh sớm 2021-2022 không có nhiều yếu tố đột biến. Tỷ lệ chấp nhận của các trường giữ ở mức ổn định, trong đó MIT thấp nhất - chỉ 5%, Harvard 8%, Georgetown 10%, Yale và Dartmouth khoảng 20%, các trường khác dao động 24-30%.
Ngoài SAT, dịch bệnh còn ảnh hưởng đến một số yếu tố khác của hồ sơ du học. Hàng loạt dự án, cuộc thi bị hủy hoặc chuyển sang trực tuyến khiến các ứng viên gặp khó trong việc hoàn thành hồ sơ. Ông Myo Min, Giám đốc học thuật tại Summit, cho rằng học sinh phải thay đổi chiến lược để thích ứng với bối cảnh đại dịch.
Trước nay, học sinh thường hoàn thành chứng chỉ chuẩn hoá rồi mới bắt đầu nghĩ đến hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, ông Myo cho rằng cần thay đổi quan điểm này. "Các em cần làm song song, tranh thủ thời gian dịch bệnh ổn định để hoàn thành các hoạt động của mình. Khi có nhiều thời gian, các em cũng tham gia được nhiều hơn. Việc này giúp hồ sơ đa dạng, đầy đủ", ông chia sẻ. Cùng với đó, ông cho rằng học sinh cần tận dụng những nguồn lực, mối quan hệ của mình để phát triển ý tưởng về các hoạt động ngoại khóa.
"Bên cạnh việc thuộc nằm lòng những yêu cầu của một bộ hồ sơ du học, các em nên tìm hiểu về những xu hướng, biến động giữa các mùa tuyển sinh để đưa ra lựa chọn phù hợp, 'ghi bàn' trong mắt hội đồng tuyển sinh", bà Hoa nói.
Thanh Hằng