Ông Trần Viết Ngãi chia sẻ quan điểm của mình khi UBND tỉnh Bình Định đang ủng hộ Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) xúc tiến kế hoạch xây nhà máy lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội với tổng vốn đầu tư 27 tỷ USD.
'Không nên vội vàng với dự án lọc dầu 27 tỷ USD'. Ảnh: P.L |
- Ông đánh giá như thế nào về đề xuất xây thêm nhà máy lọc hóa dầu tại Bình Định, sau khi Việt Nam đã có lọc dầu Dung Quất và đang triển khai xây dựng thêm nhà máy?
- Theo tôi, dự án lọc dầu 27 tỷ USD tại khu kinh tế Nhơn Hội còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu chứ không phải quyết định được ngay. Thứ nhất là dự án này không nằm trong quy hoạch chung của ngành dầu khí Việt Nam. Thứ hai là ngành dầu khí hiện tại đã có nhà máy Dung Quất, chiếm 30% thị phần cung cấp xăng dầu trong nước, sắp tới còn triển khai nhà máy lọc dầu ở Nghi Sơn, Vân Phong và một số cơ sở lọc dầu khác nữa.
Nhu cầu trong nước không đòi hỏi thêm một nhà máy như vậy nữa. Ngoài ra, nhà máy này sẽ nhập dầu thô từ các quốc gia khác về lọc và sản phẩm sẽ xuất đi nước khác thì giá trị gia tăng Việt Nam thu được không cao.
Thông tin riêng mà tôi được biết thì PTT chỉ là bên nêu lên ý tưởng, họ còn phải kêu gọi rất nhiều nhà đầu tư khác nữa để đủ số vốn 27 tỷ USD. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc kêu gọi hàng tỷ USD như vậy là không dễ dàng.
Do đó, tôi cho rằng phải có thời gian để nghiên cứu kỹ. Cần phải xem khả năng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường Việt Nam để không phải nhập từ nước ngoài. Đồng thời, đã có rất nhiều nhà đầu tư đưa ra con số hàng chục tỷ USD nhưng chưa chắc đã có, trừ phi họ giải ngân, nhà máy khởi công được thì mới nói dự án khả thi.
- Nhưng ý tưởng triển khai dự án được Bộ Công Thương ủng hộ về mặt chủ trương, sau khi đã tính tới nhu cầu thị trường?
- Tôi chỉ cho rằng cần nghiên cứu kỹ về dự án. Phía PVN đã không đồng tình, phía Hiệp hội cũng không đồng tình vì một dự án tới 27 tỷ USD thì không hiểu nhà đầu tư Thái Lan có đủ tầm để thu xếp không.
Theo tôi, Chính phủ nên suy tính và không nên vội vàng với dự án lọc dầu này.
- Có ý kiến cho rằng PVN sợ mất thị phần nên mới phản đối. Ông bình luận gì về ý kiến này?
- PVN không sợ mất thị phần, mà chỉ là họ hoạt động ở Việt Nam thì họ phải bảo vệ quyền lợi của Việt Nam. Hiện nay PVN cũng đi nhiều nước để khai thác dầu khí, PTT sang Việt Nam không khai thác mà chỉ lọc dầu thôi.
Tôi đặt câu hỏi tại sao PTT không đặt nhà máy tại Thái Lan mà phải đưa sang Việt Nam? Đây là vấn đề cần xem xét chứ không phải thấy 27 tỷ USD lớn mà ngay lập tức đồng ý.
- Câu chuyện triển khai dự án lọc dầu Nhơn Hội nói lên điều gì về quy hoạch ngành năng lượng hiện nay, thưa ông?
- Quy hoạch ngành năng lượng hiện nay đang bị ngược. Đáng ra, nếu muốn xây nhà máy nhiệt điện thì phải có đủ nguồn than trước; bao nhiêu nhà máy điện chạy dầu thì phải quy hoạch dầu khí trước rồi mới đến quy hoạch điện. Tuy nhiên, hiện nay cách làm của chúng ta là quy hoạch điện trước rồi mới đến than, dầu khí.
Việc không đảm bảo quy hoạch có tính hệ thống, logic tạo ra những bất cập và khó khăn. Chẳng hạn hiện ngành điện xây dựng tới 52 nhà máy điện chạy than nhưng không có than để chạy, cũng chưa biết nhập ở đâu, mà giá than nhập khẩu lại đắt gấp đôi, gấp ba giá than trong nước. Từ đó khiến quy hoạch ngành điện khó có khả năng thành công.
Huyền Thư (ghi)