"Chỉ nên dùng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thay cho điểm Tiếng Anh. Sao có thể thay luôn cả Toán và Tiếng Việt được? Có người nói giỏi Tiếng Anh tức là giỏi các môn khác thì thật không có cơ sở.
Để cho các sở đưa chính sách này vào rồi các trường THCS chạy theo thành tích sẽ chỉ đầu tư dạy mỗi Tiếng Anh, sẽ rất tai hại. Không có môi trường giáo dục tiến bộ nào trên thế giới này làm như thế cả. Bộ Giáo dục ngăn lại là đúng.
Hơn nữa, IELTS dùng cho xét tuyển đại học thì mới đúng mục đích, chứ cho lớp 10 thì có nhiều chứng chỉ uy tín rẻ hơn và hợp tuổi hơn cho các em như chứng chỉ Tiếng Anh Cambridge cho thiếu niên, sao các sở không dùng mà cứ lao vào IELTS?
Tuyển thẳng lớp 10 bằng IELTS quá tốn tiền của cha mẹ, không hợp tâm lý lứa tuổi và hiểu biết xã hội của các em, và vừa làm cho tiếng Anh bị lệch do chạy theo tiếng Anh dành cho học thuật quá sớm, bỏ hổng các phần khác.
Nếu cứ theo phong trào này rồi các em sẽ học thi IELTS từ lớp 5,6, sau vài năm thì nhiều em sẽ chán phát ốm với Tiếng Anh trong khi Tiếng Anh cho một bài review phim ảnh, đoạn email, tin nhắn, bài báo, bài thơ... thì học sinh không có cơ hội được học".
Bạn đọc Minh Minh phân tích, lo ngại rằng nếu ưu tiên thí sinh đạt IELTS vào lớp 10 làm giảm sự đa dạng giáo dục, ảnh hưởng đến chính việc học ngoại ngữ khi học sinh phải học tiếng Anh học thuật từ quá sớm.
Bình luận này được viết sau bài Các tỉnh tiếc nuối vì phải dừng tuyển lớp 10 bằng IELTS. Trong thông báo tối 23/2, Bộ Giáo dục cho biết một số địa phương đã đưa nội dung "không đúng quy định" vào kế hoạch tuyển sinh lớp 10 công lập. Cụ thể là tuyển thẳng, cộng điểm cho thí sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, có chứng chỉ ngoại ngữ.
Nhiều nhà quản lý cho rằng việc ưu tiên thí sinh đạt IELTS vào lớp 10 giúp giảm áp lực thi cử, tạo động lực học ngoại ngữ ở địa phương, nên tiếc khi Bộ Giáo dục yêu cầu dừng.
Trong khi đó, nhiều độc giả VnExpress lại nghĩ khác khi gần 5 năm qua, nhiều địa phương cộng 1-2 điểm ưu tiên, miễn thi, tuyển thẳng thí sinh có 4.0 IELTS trở lên hoặc đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.
Độc giả nickname vuduchieu.v2 cho rằng: "Quy đổi 4.0 IELTS là ngưỡng rất thấp. Việc học IELTS đã bị biến tướng, sai mục đích và gây tốn kém và mất công bằng. IELTS phù hợp với du học, tuyển sinh đại học, sau đại học. Từ bao giờ áp dụng cho tuyển sinh cấp III?".
Đồng quan điểm độc giả Anonymous V nói: "Chứng chỉ tiếng Anh (hay các ngoại ngữ khác) thì chỉ nên cộng (hay tính) điểm cho môn tiếng Anh, cớ sao lại tính điểm chung (tuyển thẳng) cho các môn còn lại?
Giỏi ngoại ngữ thì chưa chắc các môn khác đã ổn, địa phương đưa ra các lý do hơi miễn cưỡng, nếu ngại áp lực thi cử thì bỏ thi và bỏ tuyển luôn đi, cứ học hết và đạt yêu cầu là được lên lớp hay cấp tiếp theo.
Khuyến khích học ngoại ngữ, không có nghĩa là xem nhẹ các môn học khác, hơn nữa làm như vậy (chỉ xét điểm ngoại ngữ để tuyển thẳng) đã là bất công với nhiều học sinh không có điều kiện thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Theo lý giải của một số địa phương, dùng IELTS để tuyển thẳng hay cộng điểm nhằm tạo động lực, phong trào học ngoại ngữ, cũng như giảm áp lực thi cử với những học sinh đã có học lực tốt.
Độc giả Mr.Tran nói rằng có nhiều cách để khuyến khích hơn:
1. Có nhiều cách để khuyến khích (mà đúng hơn là nâng cao chất lượng) học ngoại ngữ. Cộng điểm ưu tiên, hay tuyển thẳng bằng IELTS... chỉ là một cách, và đừng xem nó là chính yếu.
2. Quy đổi điểm ở một thang hợp lý để miễn thi môn tiếng Anh và xét tuyển, thì chấp nhận được. Việc tuyển thẳng cũng có thể cân nhắc cho lớp chuyên Anh, kèm theo học bạ và các điều kiện khác.
3. Tuy nhiên, ngoài các lớp chuyên Anh, mà tuyển thẳng với người có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là không hợp lý. Rất dễ dẫn đến bất bình đẳng, khi mà rất nhiều học sinh không đủ điều kiện kinh tế để đầu tư ôn luyện, thi các chứng chỉ tiếng Anh (ví dụ, chỉ tính phí thi và đi lại cho một lần thi IELTS thì cũng tầm 5 triệu đồng).
Không ai phủ nhận vai trò của kỹ năng ngoại ngữ, nhưng chúng không phổ quát cho các nhóm kỹ năng, kiến thức khác.
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.