Ngày 5/5, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải), cho hay Bộ đã cho phép nhà đầu tư tăng phí trạm Bắc Hải Vân để thu phí hoàn vốn cho hầm Hải Vân 2. Tuy nhiên, thời điểm áp dụng do nhà đầu tư và tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp thỏa thuận, Bộ Giao thông Vận tải không quyết định việc này.
Trước thông tin vừa qua Thừa Thiên Huế đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải lùi ngày thu phí theo mức mới ở trạm Bắc hầm Hải Vân đến 1/6, thay vì 1/5 như kế hoạch ban đầu, ông Huy nói "tôi được biết việc tăng phí trạm Bắc Hải Vân vẫn áp dụng từ đầu tháng 5".
Về phía nhà đầu tư, ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn Đèo Cả, cho biết việc thu phí tại trạm Bắc Hải Vân đang diễn ra bình thường, "chưa có chỉ đạo của các cơ quan chức năng về việc lùi đến 1/6".
Những ngày qua, khi mức phí ở trạm Bắc Hải Vân tăng lên, ghi nhận nhiều phương tiện đã chọn cung đường đi trên đèo để né trạm.
Lúc 13h ngày 4/5, 4 ôtô biển số Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng sau khi nối đuôi nhau qua đèo Hải Vân đã rẽ sang tuyến đường đầm Lập An để lên quốc lộ 1A. Với hướng đi này, tài xế không phải qua hầm Hải Vân. Trong khoảng một giờ, hơn 20 ôtô loại 4 chỗ, 7 chỗ, một số xe đầu kéo trọng tải lớn cũng chọn cung đường né trạm thu phí, dù đường đèo dài 25 km, nguy hiểm với nhiều khúc cua.
Chị Thảo, bán quán nước trên đèo Hải Vân, nói gần đây chị thấy số lượng ôtô qua đèo nhiều hơn trước. "Ngày thường, trên đường đèo Hải Vân chủ yếu là ôtô chở heo, xăng dầu cùng với vài ôtô chở khách du lịch. Bốn ngày nay xe qua lại nhộn nhịp hơn hẳn", chị Thảo cho hay.
Tài xế Trần Ngọc Long, 30 tuổi ở Đà Nẵng, cho biết lý do né trạm là mức phí mới cao hơn trước. "Biết là nhà đầu tư tăng phí để thu hồi vốn cho hầm Hải Vân 2 mới xây dựng, song lúc này kinh tế khó khăn, tôi đi đường đèo để tiết kiệm và tranh thủ ngắm cảnh", anh Long nói.
Trước việc ôtô qua đèo Hải Vân với lưu lượng lớn hơn, trạm cảnh sát giao thông Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) và cảnh sát giao thông quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã tổ chức tuần tra, điều tiết giao thông tại các điểm nguy hiểm.
Theo ông Võ Ngọc Trung, Phó tổng Giám đốc Công ty hạ tầng giao thông Đèo Cả - đơn vị quản lý vận hành hầm Hải Vân, những ngày đầu áp dụng mức thu phí mới, nhiều tài xế thắc mắc về giá vé, tuy nhiên "nhân viên đã giải thích và không xảy ra tình trạng ùn tắc".
Ông Trung cho hay số lượng ôtô qua hai ống hầm Hải Vân dịp lễ vừa qua khoảng 13.000 mỗi ngày, tăng 3.000 xe so với năm trước. "Chúng tôi biết có tình trạng xe ôtô qua đèo Hải Vân những ngày qua để né trạm thu phí song số lượng không đáng kể", ông Trung nói thêm.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải cho phép Công ty CP tập đoàn Đèo Cả tăng mức thu phí tại trạm Bắc hầm Hải Vân để hoàn vốn cho hầm Hải Vân 2 mới đưa vào khai thác từ đầu năm nay, và là nguồn kinh phí quản lý vận hành tuyến hầm. Trạm Bắc Hải Vân trước đây thu phí hoàn vốn cho dự án hầm Phú Gia - Phước Tượng và dự án nâng cấp hầm Hải Vân 1.
Theo đó, các xe nhóm một (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) có vé lượt 110.000 đồng. Xe nhóm 2 (xe 12 chỗ đến 20 chỗ, xe tải từ 2 đến 4 tấn) mức phí 160.000 đồng. Xe nhóm 3 (xe 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 đến 10 tấn) mức phí 200.000 đồng. Xe nhóm 4 (từ 10 đến 18 tấn, xe container 20ft) là 210.000 đồng. Xe nhóm 5 (từ 18 tấn trở lên, xe container 40ft) là 280.000 đồng.
Với mức giá trên, các nhóm xe 1,3,4,5 tăng từ 30.000 đến 40.000 đồng mỗi vé, riêng xe nhóm 2 tăng 70.000 đồng so với trước đây. Giá vé tháng, quý cũng được điều chỉnh tương ứng.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ Giao thông Vận tải lùi ngày thu phí theo mức mới, do "nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi, cần có lộ trình tăng phí hợp lý".