Lúc 8h sáng 5/1, điểm đo tại Chi cục Bảo vệ môi trường (Cầu Giấy) là 238, Minh Khai (Bắc Từ Liêm) 231, Đại sứ quán Pháp ở (Hoàn Kiếm) 253, Khu đô thị Pháp vân - Tứ Hiệp (Thanh Trì) 203... Đây là các chỉ số cao nhất từ đầu mùa đông năm nay.
Theo Cổng thông tin quan trắc môi trường thuộc UBND TP Hà Nội, AQI trên 200 là ngưỡng "mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn và cần hạn chế hoạt động ngoài trời". Giá trị AQI gồm 5 ngưỡng từ tốt đến nguy hại, trong đó mức rất xấu chỉ xếp sau nguy hại.
Ngoài các điểm đo nêu trên, cũng trong sáng nay, một số điểm quan trắc khác ở Hà Nội ghi nhận AQI ở mức xấu (từ 101-150) hoặc tiệm cận rất xấu; không có điểm quan trắc cho chỉ số không khí tốt. Đơn cử, điểm Hàng Đậu (Hoàn Kiếm) là 195, điểm Phạm Văn Đồng 187, điểm Cung thiếu nhi Hà Nội 191.
Cơ sở quan trắc của Đại sứ quán Mỹ ở quận Hai Bà Trưng cho chỉ số AQI là 250; của Tổng cục Môi trường tại Long Biên 175.
Trang hiển thị của mạng lưới quan trắc PamAir sáng nay phủ một màu nâu, biểu thị chất lượng không khí ở mức nguy hại. Còn AirVisual xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ tư trên thế giới với chỉ số AQI là 247. Trang này dự báo ngày mai mức độ ô nhiễm ở Hà Nội sẽ giảm xuống còn 178, tuy nhiên sẽ tăng trở lại mức 197 vào thứ năm.
Cuối tuần trước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn đề nghị TP Hà Nội triển khai một số biện pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí, bao gồm việc đẩy nhanh việc thu hồi xe cũ nát, lạc hậu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương tăng cường việc tuyên truyền người dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ; kiểm tra dự án thi công các công trình xây dựng, giao thông thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh.