WTO vẫn khó hiểu |
Bình luận về kết quả trên, một chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng, như vậy đã là rất khả quan nếu so với mặt bằng chung về sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp về tiến trình hội nhập của nước nhà.
Trao đổi với VnExpress bên lề một hội thảo mới đây về hội nhập, đại diện Hiệp hội Dược Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp chưa thấy liên quan gì khi vào WTO nên hầu như không tìm hiểu thông tin. "Bản thân lãnh đạo Hiệp hội cũng không hiểu vào WTO sẽ ảnh hưởng thế nào đến ngành dược để mà khuyến cáo cho các doanh nghiệp chuẩn bị. Chỉ lấy thông tin trên báo đài, nếu một vấn đề nào đó không được báo chí đề cập thì cũng không biết lấy thông tin ở đâu", vị đại diện này nói.
Bạn hiểu thế nào về WTO và quá trình gia nhập của Việt Nam: | ||||||||||||||||||||||||||||
(Tiến hành từ 3/3 đến 15/3) |
Giám đốc Công ty cổ phần hợp tác đầu tư và xuất nhập khẩu Vilexim, ông Nguyễn Trường Sơn tâm sự, ông đã tham dự nhiều cuộc hội thảo liên quan đến WTO nhưng quả thực cho đến giờ phút này vẫn chưa hiểu sâu sắc về nó và cũng chưa biết làm cách nào để nâng cao khả năng cạnh tranh, chuẩn bị cho thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đưa ra câu trả lời tương tự khi được hỏi về kế hoạch chuẩn bị cho thời hội nhập. Thậm chí, đại diện một công ty dệt may có tiếng còn tuyên bố gia nhập WTO là một chương trình lớn của Chính phủ, Chính phủ định hướng ra sao doanh nghiệp sẽ làm vậy.
Giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty giao nhân vận tải T&M Nguyễn Việt Yên là một trong số ít những lãnh đạo doanh nghiệp tự tin trả lời mình hiểu những thách thức mang lại từ việc gia nhập WTO. Ông cho biết, trong lĩnh vực giao nhận vận tải, các công ty trong nước vẫn đang được bảo hộ, nhưng khi tham gia sân chơi chung, lá chắn này không còn nữa và cuộc cạnh tranh sẽ vô cùng quyết liệt. Tuy nhiên, ông Yên thừa nhận, cũng chỉ hiểu chung chung vậy thôi chứ không biết khi gia nhập, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường đến đâu, doanh nghiệp sẽ phải tuân theo các quy định mới như thế nào. "Mà chúng tôi cũng không biết lấy thông tin ở đâu nữa. Bởi báo chí, mạng Internet, nơi cung cấp thông tin về WTO nhiều nhất, cũng không đề cập đến vấn đề này".
Một số người biết thông tin lại trở nên bi quan. Giám đốc công ty Thái Dương (Hà Nội) Lê Hồng Sơn là một tiến sĩ sinh thái về cây lúa. Hàng chục năm nay ông dồn đam mê vào nghiên cứu, lai ghép, trồng thử nghiệm các giống đặc sản của nước ngoài, từ đó phổ biến để bà con sản xuất lúa hàng hoá và xuất khẩu. Đôi chân đã đi tới không dưới 10 nước để học hỏi kinh nghiệm, song khi nói tới chuyện gia nhập WTO, ông chép miệng thở dài: "Nếu hội nhập, nông dân và những nhà khoa học như tôi sẽ chết trước tiên. Ta chỉ có chút lợi thế về lúa, rau quả nhiệt đới, chè, cà phê, cao su... Các thứ khác đều khó cạnh tranh. Ta thua về giống, tiến bộ khoa học kỹ thuật, chế biến và nhiều khâu quan trọng khác...".
Thực trạng trên đây có một phần lỗi thuộc về doanh nghiệp. Họ chưa thực sự năng động và nhạy bén ngay cả với những vấn đề liên quan sát sườn đến lợi ích của mình. Giám đốc Vilexim Nguyễn Trường Sơn thừa nhận đội ngũ cán bộ trong doanh nghiệp còn thiếu trình độ và ngoại ngữ để nắm bắt những thông tin trọng yếu đó.
Giáo sư Peter Nolan tại đại học Cambridge, chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh thành lập hẳn một cơ quan chuyên cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về hội nhập kinh tế, những quy tắc của WTO nào ảnh hưởng tới doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể vay vốn ở đâu để phục vụ cho việc đổi mới nâng cao sức cạnh tranh khi gia nhập WTO. Họ cũng thay đổi hàng loạt luật, công bố rộng rãi cho doanh nghiệp biết để kịp điều chỉnh cho phù hợp. Ở các nước phát triển như Mỹ, EU hay Canada, Australia, doanh nghiệp đều có tiếng nói nhất định trong từng vòng đàm phán song phương hay đa phương về WTO. Họ không những biết kết quả ngay khi phiên đàm phán kết thúc mà còn đưa ra những yêu cầu và tư vấn đối với đoàn đàm phán theo hướng có lợi nhất cho mình.
Trong khi đó ở Việt Nam, những thông tin cụ thể, mang tính định hướng cho doanh nghiệp về WTO vẫn thuộc loại mật. "Nông dân không thể tìm ra thông tin về hội nhập, nhưng ngay cả những người làm khoa học như tôi cũng rất khó khăn khi tiếp cận. Đành rằng, gia nhập WTO nói chung là tốt và ta phải hy sinh lĩnh vực này để có thể có lợi ích lớn hơn ở lĩnh vực quan trọng hơn, song không thể không có những cảnh báo sớm cho người dân về tác động của hội nhập đối với đời sống và công ăn việc làm của họ", ông Lê Hồng Sơn băn khoăn.
Uỷ ban quốc gia về Hội nhập Kinh tế Quốc tế được lập ra từ lâu, song cơ quan này vẫn đang tất bật chuẩn bị kế hoạch, phương án và nội dung đàm phán chứ chưa có thời gian đầu tư cho công tác tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ. Hơn nữa, do chưa có quy định cụ thể loại thông tin nào là "mật", thông tin nào không "mật" nên ai cũng ngại phát ngôn, vì sợ trách nhiệm khi tiết lộ bí mật đàm phán.
Sau khi Việt Nam ký hiệp định kết thúc đàm phán song phương với EU, và sau đó là thoả thuận tiếp cận thị trường, công chúng Việt Nam chỉ biết duy nhất thông tin kể từ 2005 hàng dệt may sẽ được nhập khẩu tự do sang thị trường EU. Trong khi đó, các doanh nghiệp phía bạn biết họ sẽ được tham gia vào thị trường ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ của Việt Nam vào khi nào và ở mức độ ra sao. Họ cũng biết ngay năm tới, sẽ được xuất khẩu bao nhiêu xe scooter với thuế ưu đãi sang Việt Nam, thuế suất với mặt hàng rượu thế nào... Những thông tin đó, doanh nghiệp Việt Nam chỉ được biết khi nó đã thành văn bản và có hiệu lực vài ngày sau.
Ngay giữa các đoàn đàm phán của các bộ, ngành với nhau, thông tin cũng không hoàn toàn thông suốt. Tại Hội nghị toàn quốc ngành thương mại diễn ra cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển tỏ rõ sự lo ngại khi thấy ông Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ đôi khi còn không biết đoàn đàm phán của bộ này, bộ kia sẽ đàm phán theo phương án nào. Các bộ, ngành lý giải, nếu nói ra cho ông trưởng đoàn, e sẽ lộ bí mật của ngành mình.
Áp lực hoàn tất đàm phán gia nhập WTO trước thời điểm Vòng đàm phán Doha là rất lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu các nhà đàm phán chỉ lo đàm phán, người dân và doanh nghiệp chỉ được biết sau khi thị trường đã thực sự mở toang thì lúc đó sẽ trở tay không kịp.
Song Linh - Việt Phong